Theo Thạc sĩ Nguyễn Viết Vũ, Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản và Biển đảo, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố, tổng lượng nước thải sinh hoạt thành phố phải xử lý là hơn 193.000m3/ngày. Sở đang triển khai đồng bộ, cùng lúc 6 chương trình, dự án lớn để triển khai bảo vệ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai nói chung và lưu vực sông Sài Gòn nói riêng.
Ban hành kế hoạch để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đây là giải pháp mang tính pháp lý. Hiện đang lập danh mục các nguồn nước trên địa bàn thành phố cần phải bảo vệ. Điều tra, đánh giá lại khả năng tiếp nhận, sức chịu tải của lưu vực sông Sài Gòn trên địa bàn TPHCM, ông Vũ cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM: phát triển kinh tế trên sông Sài Gòn là cần thiết nhưng phát triển mà gây ô nhiễm môi trường thì cần phải xem lại. Hiện nay chúng ta chỉ kiểm soát được 1 phần rác thải sinh hoạt trên sông Sài Gòn, nếu không kiểm soát tốt hơn thì rất khó phát triển được kinh tế trên sông Sài Gòn.
TPHCM đang phối hợp ký kết Quy chế 37 về phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường với các tỉnh giáp ranh nhằm trao đổi thông tin chất lượng môi trường nước và kịp thời phối hợp, kiểm tra chất lượng môi trường tại địa bàn giáp ranh.
Ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai cho biết, để bảo vệ hệ thống sông, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống rác thải cần phải phân loại rác thải tại nguồn, trong đó có rác thải nhựa; các tỉnh thành cần liên kết chặt chẽ hơn để quản lý công tác này.
Ông Châu Thanh An đề xuất thêm: "Cần có dự án nghiên cứu, đánh giá tổng thể về các nguồn lợi thủy sản trên các sông để có số liệu tổng quát, đưa vào công tác quản lý của ngành. Cần sớm có quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữa các vùng giáp ranh trên các khu vực sông Đồng Nai".