Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nông dân góp sức xây dựng nông thôn mới

(VOH) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo các huyện ngoại thành đã có nhiều chuyển biến đáng kể.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Góp sức vào thành công của chương trình có sự tham gia tích cực của giai cấp nông dân thành phố.

Nông dân góp sức xây dựng nông thôn mới

Những con đường liên xã, liên ấp trên địa bàn huyện Bình Chánh được làm mới và nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Ảnh: internet

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố đã tổ chức hơn 8.000 cuộc tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, hội viên, nông dân. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự lực tự cường, cũng như tạo sự đồng thuận trong lực lượng nông dân về vai trò chủ thể của nông dân, đối tượng vừa trực tiếp tham gia, vừa trực tiếp hưởng lợi của chương trình.

Hội cũng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân hiến đất, công trình phụ để xây mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông, giám sát việc triển khai thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Kết quả trong 10 năm, các cấp Hội đã vận động hơn 4.400 hội viên, nông dân hiến hơn 2.840.000 m2 đất, đóng góp kinh phí và ngày công lao động để làm mới và sửa chữa 16.000 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp 522 km đường kênh… góp phần nâng chất tiêu chí giao thông, thủy lợi tại địa phương.

Ông Lê Văn Ca, nông dân xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh đã tích cực hiến đất cũng như vận động những nông dân khác cùng thực hiện, góp phần mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân phấn khởi, cho biết: "Địa phương có cái gì mình hưởng ứng cái nấy, chẳng hạn làm đường giao thông thì mình hưởng ứng, vận động bà con làm theo luôn. Mình cũng hiến 1 công đất, rồi vận động bà con làm đường, hồi đó đường nhỏ mình vận động làm đường lớn. Hồi đó đường nhỏ chạy xe honda té lên té xuống, giờ xe hơi chạy được rồi. Thay đổi nhiều lắm rồi. Bộ mặt nông thôn bây giờ đổi mới toàn diện chứ không như hồi xưa. Bà con phấn khởi lắm”.

Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là góp phần nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, Hội Nông dân huyện Bình Chánh đã chủ động phối hợp với các ngành vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, theo hướng nông nghiệp đô thị. Qua đó, xuất hiện những mô hình hiệu quả như mô hình trồng rau, trồng hoa lan, hoa mai, hoa nền. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong hội viên nông dân, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân bằng các giải pháp điển hình như giao chỉ tiêu cho Hội Nông dân cơ sở đăng ký thực hiện mỗi chi hội giúp ít nhất một hộ hội viên thoát nghèo trong năm 2019… Đặc biệt, Hội Nông dân còn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Bà Hoàng Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết: “Thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thành ủy là vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố văn minh sạch đẹp thì Hội Nông dân cũng tổ chức ra quân thực hiện công trình, sau đó chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở phát động để hội viên cùng thực hiện. Trong mô hình này có mô hình cánh đồng mai sạch - không vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ở xã Bình Lợi, thì các mô hình này hoạt động hiệu quả. Mỗi xã, thị trấn phải đăng ký thực hiện một tuyến đường xanh sạch đẹp hoặc tuyến đường trồng hoa”.

Sự đồng thuận, thống nhất cao của nông dân trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được biểu hiện cụ thể thông qua việc hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Củ Chi đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ lãi vay, tập huấn kỹ thuật. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống của nông dân. Là xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đã tập trung hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định: “Vai trò của Hội Nông dân muốn cho xã thành công xã nông thôn mới mà toàn diện thì trước mắt là bà con nông dân phải làm giàu phát triển kinh tế, đời sống ổn định. Từ đó, Hội Nông dân xã tuyên truyền đến hội viên nông dân là phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng những cây con có hiệu quả kinh tế cao”.

Hàng năm, các cấp Hội đã hỗ trợ giúp cho hơn 2.000 lượt hộ nghèo vươn lên và thoát nghèo thông qua các hoạt động an sinh xã hội như trao tặng công cụ sản xuất, học bổng khuyến học, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm điều trị bệnh, bồn chứa nước sạch… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng lên, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận và được phục vụ tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Với những kết quả đạt được, ông Phạm Minh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phụ trách phía Nam đánh giá cao vai trò của Hội Nông dân Thành phố trong quá trình xây dựng nông thôn mới: “Vai trò chủ động của các cấp Hội khi chúng ta tham gia bằng những mô hình thiết thực như mô hình tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, như mô hình tham gia bảo vệ môi trường, nhất là mô hình vận động nông dân sản xuất sạch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, và một việc làm rất nghĩa tình đối với nông dân chúng ta đó là Tết làm điều hay của năm 2019 mà hiện nay và sắp tới chúng ta gọi là Tết nghĩa tình. Đây là một hoạt động vừa mang tính chất xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới không chỉ riêng thành phố chúng ta mà nó còn tham gia với cả các tỉnh trong khu vực phía nam bằng trách nhiệm và nghĩa tình của Hội Nông dân Thành phố chúng ta”.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các công trình trường học, chợ, cơ sở khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt văn hóa xã… được xây mới khang trang. Đồng thời, nông dân đã có sự thay đổi về tư duy, tập quán canh tác, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhất là chương trình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nông dân, huy động các cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia chương trình, cùng chung tay góp sức, xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, xã hội ở các huyện ngoại thành.

Bình luận