Giây phút tiếng hát của 2 ca sĩ Phương Thanh và Thiên Phú vang lên trên đỉnh đài quan sát của đảo Cô Lin, nơi những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác có thể là một trong những khoảnh khắc đong đầy cảm xúc nhất trong chuyến hành trình đến Trường Sa của Đoàn công tác TPHCM năm 2022.
Cô Lin là nơi gần nhất ở Trường Sa mà chúng ta có thể nhìn thấy Gạc Ma thân yêu, hòn đảo chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ trong trận chiến ngày 14/3/1988.
Khi tiếng hát ấy cất lên, gương mặt đen sẫm vì cái nắng gió khắc nghiệt của người lính gác bỗng đỏ lên vì xúc động. Dù tay anh vẫn cầm súng, mắt vẫn không rời vị trí. Anh không khóc, nhưng những ai chứng kiến đều rưng rưng. Bởi với các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa, khó khăn lớn nhất không phải là bão tố phong ba, không phải là những thiếu thốn về cơ sở vật chất giữa muôn trùng sóng nước mà là nỗi nhớ đất liền, nhớ tiếng nói, tiếng cười và cả tiếng hát của đồng bào mình.
Chính vì thế, với người nghệ sĩ, được đặt chân đến Trường Sa, được hát cho các anh nghe là niềm vinh dự không bút mực nào có thể tả hết được.
Ca sĩ Thiên Phú, người đã 3 lần đặt chân đến Trường Sa chia sẻ: “Mỗi lần đến Trường Sa mình đều rất xúc động, rất thương những chiến sĩ trên các đảo chìm bốn bề sóng nước. Mình đi với một tinh thần là muốn tiếp sức, mang đến niềm vui để các anh có thể an tâm làm nhiệm vụ.
Ban đầu mình nghĩ đơn giản cảm xúc qua những lần đến Trường Sa thì cứ hát một vài bài như ở Sài Gòn, nhưng đến rồi mới thấy đó không chỉ là một bài hát mà đến để mang một năng lượng tích cực. Các anh vui là mình vui”.
Và cứ thế tiếng hát cứ vang lên, không cần một kịch trau chuốt, những nghệ sĩ của TPHCM và các chiến sĩ cứ hòa nhịp cùng nhau. Những khúc ca cứ nối tiếp nhau như niềm vui bất tận không bao giờ dừng lại.
Khoác trên mình màu áo lính, đại úy - ca sĩ Cẩm Thơ của Bệnh viện Quân y 175 cũng phần nào thấu hiểu sự khó khăn của những người chiến sĩ. Nhưng khi đặt chân đến đảo xa, chị lại càng thấm thía và trân quý sự hy sinh, kiên cường của các anh. Đó là những chàng trai mới 18 đôi mươi, nhưng đã chọn cho mình con đường đầy gian khổ, khó nhọc để gìn giữ biển trời quê hương.
Đại úy - ca sĩ Cẩm Thơ chia sẻ: “Mình rất tự hào khi là một trong những người đến với Trường Sa thân yêu. Biển đảo của Tổ quốc rất thiêng liêng. Cơ hội này không phải ai cũng có được. Mình chỉ biết mang lời ca tiếng hát bằng cả con tim để động viên các chiến sĩ. Mình yêu vô cùng những chiến sĩ ở Đảo. Các bạn ấy quá trẻ, quá hồn nhiên và qúa đáng yêu. Mình chỉ muốn hát, hát mãi bằng tất cả tấm lòng để gửi đến các chiến sĩ trẻ”.
Sân khấu ở Trường Sa rất đặc biệt, đó có thể là trên đỉnh cao của đài quan sát, nơi có 1 người lính kiên trung đứng gác. Đó có thể là khoảng nhỏ ngoài ban công, nơi nghệ sĩ và chiến sĩ hòa chung khúc ca. Miễn nơi nào có các anh là nơi đó có tiếng hát. Không ít chiến sĩ đã xúc động bất ngờ khi được hòa giọng cùng người nghệ sĩ đã rất lâu rồi mà mình yêu mến nhưng chưa có dịp gặp gỡ.
Chiến sĩ Lê Minh Tuấn xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên em được đánh đàn và hát cùng các anh chị. Em không thể tin được luôn. Thật sự rất xúc động”.
Trong chuyến hải trình, ca sĩ Phương Thanh là người khiến chúng tôi phải bất ngờ, khi chị luôn tìm đến những nơi đặc biệt nhất như nhà bếp, trạm xá hay ngồi bệt xuống khoảng sân đầy nắng để hát cho các chiến sĩ. Chị đã 5 lần đặt chân đến Trường Sa. Mỗi khi được thông báo về chuyến đi, ca sĩ Phương Thanh ngay lập tức gác lại tất cả các sô diễn, chương trình dù thù lao có cao đến mấy.
Chị chia sẻ, chị yêu những người chiến sĩ, đặc biệt là người lính hải quân: “Nơi sân khấu nhỏ đó là nơi tràn đầy năng lượng và cảm xúc mà mình muốn truyền đến các bạn, để mình hun đúc ý chí cho các bạn. Mình hạnh phúc khi được đóng góp tinh thần, năng lượng và sự yêu thương của mình. Khi đến Trường Sa, Thanh luôn tìm đến các bạn nhỏ tầm tuổi con mình để động viên các cháu. Các bạn rất tuyệt vời luôn tràn đầy tinh thần, không ngại khó”.
Nắm kỷ lục trong đoàn công tác của TPHCM có lẽ là ca sĩ Nguyễn Phi Hùng khi anh đã có 6 lần đặt chân đến Trường Sa. Tiếng hát của người nghệ sĩ ấy đã bao lần vang lên ở Đá Nam, Cô Lin, Thuyền Chài, Núi Le, Tốc Tan… Những hòn đảo ấy 4 bề sóng nước, không Internet, mảng xanh duy nhất là những thùng xốp trồng rau cải thiện của các anh.
Trong không gian vài chục mét vuông, những chàng trai gương mặt non tơ vẫn ngày ngày bám trụ, vừa sống, học tập và lao động bằng sức trẻ phơi phới thanh xuân, bằng ý chí kiên cường bất khuất.
Chia sẻ về những chuyến hải trình của mình, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nói: “Một cảm giác rất vui khi mỗi lần trở lại và nhận ra Trường Sa đã thay đổi rất nhiều. Những chuyến đi này là phần thưởng cao quý nhất mà Hùng được tham dự. Khi mình được sống trong yên bình thì những người chiến sĩ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó mình nhận thấy trách nhiệm của mình để có những sáng tác kết nối giữa đất liền và biển đảo, để mọi người biết ở nơi xa xôi như biển đảo thì quê hương vẫn hiện ra”.
Giọng ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã khản đặc sau nhiều ngày lênh đênh giữa biển cả. Đó là chưa kể những mỏi mệt vì say sóng, nhưng như bất cứ người nghệ sĩ nào khi đặt chân đến Trường Sa, tiếng hát của họ vẫn vang lên thật mạnh mẽ giữa biển trời quê hương.
Còn với NSƯT Ngọc Đặng, dù là chuyến hành trình đầu tiên đến với Trường Sa, nhưng đó mãi là những kỷ niệm không thể nào quên: “Đến được với Trường Sa là một vinh dự của đời người mà không phải ai cũng trải qua. Mặc dù đi rất mệt nhưng khi đến nơi thấy các bạn háo hức chờ đợi đội văn nghệ thì mình thấy rất vui và hát hết mình. Mình thấy các bạn rất gan dạ, dũng cảm, rất thương các bạn. Trường Sa khác hẳng với tưởng tượng. Người dân sống rất bình yên, hiếu khách và thân thiện”.
Tàu đã rời bến Trường Sa Lớn trong những cái vẫy tay đầy lưu luyến của quân và dân nơi đây, trong ánh mắt đầy yêu thương của những người nghệ sĩ của TPHCM. Nhưng chúng tôi tin rằng rồi họ sẽ trở lại để đem tiếng hát của mình sưởi ấm tâm hồn của những người lính đảo, để mang những yêu thương của đất liền gửi đến cho các anh, để các anh biết rằng “Trường Sa vì cả nước, và cả nước luôn vì Trường Sa”.