Tọa đàm đã nhận được hơn 80 bài tham luận cùng nhiều ý kiến đăng ký phát biểu của các vị lão thành cách mạng, nhà khoa học, nghiên cứu thể hiện sự tri ân và tôn vinh những cống hiến của đồng chí Phạm Văn Chiêu đối với Đảng bộ và nhân dân Gia Định, TPHCM.
Đồng chí Phạm Văn Chiêu sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân thuộc tỉnh Gia Định. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Gia Đình, sau đó với cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức án bộ Bộ Ngoại giao, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã phát huy vai trò của một chiến sĩ cộng sản kiên định, một tấm gương đạo đức cách mạng.
Với hành trình hơn 80 năm tuổi đời, hành trình từ một nhà giáo, một trí thức yêu nước đến người chiến sĩ cộng sản, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do, vì sự phồn vinh của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và sự hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, đất nước của đồng chí Phạm Văn Chiêu là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân TPHCM.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, đồng chí Phạm Văn Chiêu là một bậc lão thành cách mạng, một nhà giáo có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tọa đàm khoa học Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định - TPHCM
Đồng chí Thân Thị Thư đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào các nội dung: đồng chí Phạm Văn Chiêu với sự tận tụy và sáng tạo trong tổ chức chỉ đạo thực tiễn, góp phần lãnh đạo cách mạng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Gia Định đi đến thắng lợi; những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đặc biệt là trên lĩnh vực cán bộ của Đảng nói chung và công tác cán bộ của Bộ Ngoại giao nói riêng; đồng chí Phạm Văn Chiêu người gắn bó với Gia Định - TPHCM, cống hiến toàn bộ công sức của mình cho sự nghiệp cách mạng, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng trong.
Nhớ con người làm nên nhiều điều kỳ diệu, ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc, nhấn mạnh đến vai trò của đồng chí Phạm Văn Chiêu trong chủ trương thành lập căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, vùng phụ cận Sài Gòn đó là Chiến khu An Phú Đông, phong trào xóa nạn mù chữ, hiến kế tìm cán bộ ngoại giao cao cấp.
Phát biểu tham luận, bà Phạm Phương Thảo - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy cho rằng: “Cuộc đời đồng chí Phạm Văn Chiêu là cuộc đời của một nhà giáo yêu nước, cách mạng, một nhà lãnh đạo đầy tâm huyết, gắn bó với nhân dân, nêu tấm gương tiêu biểu về sự sáng tạo, về tinh thần quyết đánh, quyết thắng thực dân xâm lược. Với những nỗ lực phi thường, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cùng đồng chí, đồng bào viết nên trang sử đẹp trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ở vùng đất Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. Các thế hệ tiếp nối sẽ luôn nhớ về ônh, học tập nơi ông những phẩm chất quý giá của một con người luôn sắt son với lý tưởng và sự nghiệp vĩ đại của nhân dân.”
Ông Trần Hữu Trí Bí thư Quận ủy quận 12 khẳng định: “Tiếp bước tinh thần cách mạng kiên trung của đồng chí Phạm Văn Chiêu, những năm qua đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận 12 đã làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tuyên tuyền giáo dục truyền thống cách mạng và tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Phạm Văn Chiêu cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ để học tập và noi theo.”
Ông Phạm Minh Hiền con trai của đồng chí Phạm Văn Chiêu
Không chỉ là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, đồng chí Phạm Văn Chiêu còn là người con trung hiếu, người chồng chung thủy, người cha mẫu mực. Ông Phạm Minh Hiền con trai của đồng chí Phạm Văn Chiêu nguyện mãi mãi xứng đáng là con cháu và người kế thừa truyền thống vẻ vang của đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng các bậc tiền bối cách mạng.
“Với cương vị là người lãnh đạo của tỉnh, người cha trong gia đình, ông Phạm Văn Chiêu không chỉ nuôi dạy các con của mình và lớp trẻ khôn lớn, trưởng thành, mà quan trọng nhất là ông đã định hướng và dìu dắt các con, các cháu đi theo con đường cách mạng, trở thành những cán bộ, đảng viên đã noi gương các bậc tiền bối, đóng góp tất cả tuổi trẻ, sức lực và cuộc đời của mình vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.” – ông Phạm Minh Hiền cho biết.
Ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM phát biểu tại tọa đàm.
Kết luận tại tọa đàm, ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy nhấn mạnh, các tham luận đã nhận định đồng chí Phạm Văn Chiêu suốt cuộc đời rèn luyện, phấn đấu cách mạng giành độc lập dân tộc, là người truyền đạt kiến thức, dạy dỗ đàn em và giữ cương vị cao trong tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước. Đồng chí Phạm Văn Chiêu đã đem hết tâm trí và sức lực của mình cho cách mạng và xây dựng đất nước, chính quyền và con người, truyền bá cho các thế hệ sau những tư tưởng tiến bộ về tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc.
Tấm gương sáng, đạo đức mẫu mực và những bài học quý giá được rút ra từ quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Văn Chiêu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM. Đó là bài học về tấm gương nhân cách cao đẹp, tinh thần vượt khó, khát khao học hỏi và truyền đạt kiến thực đến thế hệ trẻ, bại học về sự cống hiến tận tụy, góp tâm sức vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Ông Tất Thành Cang nhấn mạnh: “Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Văn Chiêu, một bài học được rút ra, vận dụng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình đó là tấm lòng nhân hậu thấm đẫm tính nhân văn, nghĩa tình. Từ những năm hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời, đồng chí đã không ngừng thực hiện và phát động phong trào khuyến học, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó hăn vượt khó học tập, những hoạt động tưởng chừng như rất bình dị của đồng chí đã góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh.”