Đây là hiện tượng đã xuất hiện vài ngày gần đây, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và giao thông, đồng thời là biểu hiện rõ nét của tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng sương mù không có gì bất thường và thường xuất hiện vào cuối năm. Giai đoạn này, không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống, làm nhiệt độ đêm và sáng sớm giảm. Khi nhiệt độ thấp, độ ẩm cao và gió nhẹ, các lớp mây tầng thấp tạo thành lớp mù bao phủ, che khuất các công trình cao tầng.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn, cho biết sương mù hình thành do hơi nước bám vào các hạt bụi lơ lửng trong không khí. Những ngày qua, TPHCM thi thoảng có mưa trái mùa, lượng hơi nước tăng cao kết hợp với bụi mịn trong không khí đã dẫn đến hiện tượng này. "Nhiệt độ ban đêm thấp cùng với tình trạng ô nhiễm không khí cao là nguyên nhân chính khiến sương mù trở nên dày đặc", ông Quyết lý giải.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo thời tiết, cũng cho biết nếu không có mưa mà vẫn xuất hiện sương mù thì đó là mù khô, nguyên nhân chính vẫn là ô nhiễm không khí.
Theo ứng dụng quan trắc không khí Air Visual (thuộc tổ chức IQAir), vào lúc 7h30 sáng 2/12, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tại TP.HCM đạt mức 68,6 µg/m³, cao gấp 13,7 lần so với ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mức độ này không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Từ đầu tháng 12, TPHCM đã chính thức bước vào mùa khô. Dự báo trong tuần tới, thời tiết tại khu vực ít mưa, trời nắng nhiều. Tuy nhiên, một số nơi có khả năng xuất hiện mưa trái mùa với lượng không lớn.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ khuyến cáo, thời điểm cuối năm, sương mù thường xuyên xuất hiện. Người dân khi ra đường cần chú ý đeo khẩu trang và có biện pháp bảo vệ sức khỏe để tránh các bệnh về hô hấp.