Tổng quan tài chính, hiệu quả của đề án, theo nguyên tắc xây dựng triển khai thực hiện, ngân sách nhà nước cần phân bố cho công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà xã hội và công tác nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng... Tạm tính tổng kinh phí phân bổ ban đầu là 221.370 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách bồi thường, tái định cư là 130.680 tỉ đồng; chi phí xây dụng nhà ở xã hội cho trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, tái định cư 10.692 tỉ đồng; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nạo vét, cải tạo sông kênh rạch là 80.000 tỷ đồng.
Sau khi triển khai thực hiện đề án, sẽ tạo các khu đất dọc sông, kênh, rạch có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các dự án thương mại dịch vụ... Dự kiến kinh phí thu lại khoảng 164.111 tỷ đồng.

Quận 8 được chọn làm địa bàn trọng điểm để thực hiện thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm cho các quận, huyện khác. TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản việc di dời và tái định cư cho toàn bộ người dân sống ven sông, kênh, rạch.
Từ năm 1993 đến nay, thành phố đã di dời hơn 44.000 căn nhà ven kênh. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 39.600 căn thuộc 398 dự án tại 16 quận, huyện và TP Thủ Đức chưa được triển khai.
Viện Nghiên cứu phát triển sẽ tiếp tục điều tra xã hội học để xác định chính xác số lượng nhà cần di dời và phương án hỗ trợ hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân và phát triển đô thị bền vững.