Đây là thông tin được nêu ra tại Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5 năm 2023 được tổ chức vào chiều nay 28/4 tại TPHCM.
Phân tích nguyên nhân nguồn thu sụt giảm, ông Minh cho rằng, vấn đề lớn nhất là thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giảm đến 50% và thu từ chứng khoán giảm tới 70%. Trước đây, mảng này có ngày, cả nước thu đến 300.000 tỷ đồng, hiện nay chỉ còn lại trên dưới 10.000 tỷ đồng.
Theo ông Lê Duy Minh, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán là hai thị trường có đóng góp lớn vào ngân sách thành phố, cần phải tìm hướng tháo gỡ, khơi thông lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phục hồi của doanh nghiệp.
Ông Lê Duy Minh cho rằng, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách để gia hạn, giảm nhiều loại thuế để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, Chính phủ đã xem xét trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT cho tất cả các lĩnh vực, mặt hàng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân.
Theo ông Lê Duy Minh, những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thu thuế.
Ông Minh nhấn mạnh, nếu giữ mức thu như hiện nay thì vẫn có thể đảm bảo thu 470.000 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, hiện số tiền mặt đổ về kho bạc hàng ngày giảm dần.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin, trong tháng 4, số hồ sơ mua bán đất đai trên địa bàn thành phố là 7.400 (tăng 26% so với tháng 3), thu thuế 1.200 tỷ đồng (bằng 44% so với chỉ tiêu năm 2023). Điều này cho thấy tín hiệu khả quan, tháng 5 và các tháng còn lại với đà tăng như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng chung của thành phố. Cũng tính từ đầu năm đến nay, Sở đã cấp sổ hồng cho khoảng 7.600 căn hộ. Hiện còn hơn 81.000 căn chưa được cấp sổ hồng. Dự kiến, trong tháng 5, sẽ giải quyết được hơn 8.100 căn (chiếm 10%). |