Chờ...

TPHCM: Đưa vào khai thác 42 xe mới với 3 tuyến xe buýt trợ giá 01, 65 và 152

(VOH) - 4 tuyến xe buýt có trợ giá gồm số 01, 15, 65 và 152 khai thác trong thời gian 5 năm, bắt đầu từ ngày 01/05/2021. Trong đó có 3 tuyến gồm 01, 65 và 152 được đầu tư sử dụng 42 xe mới 100%.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với 4 tuyến xe buýt có trợ giá gồm số 01, 15, 65 và 152, qua đấu thầu Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM đã bàn giao cho Liên doanh Bảo Yến – HTX28 khai thác trong thời gian 5 năm.

TPHCM: Nâng “chất” 4 tuyến xe buýt có trợ giá 01,15,65,152 1

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM bàn giao 4 tuyến xe buýt có trợ giá gồm số 01, 15, 65 và 152 cho Liên doanh Bảo Yến – HTX28 khai thác.

Sáng 28/04/2021, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM đã bàn giao 4 tuyến xe buýt có trợ giá gồm số 01, 15, 65 và 152 cho Liên doanh Bảo Yến – HTX28 (Công ty TNHH du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến và Hợp tác xã vận tải số 28) khai thác trong thời gian 5 năm, bắt đầu từ ngày 01/05/2021. Trong đó có 3 tuyến gồm 01, 65 và 152 được đầu tư sử dụng 42 xe mới 100%.

Thông tin tại Lễ bàn giao, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo – Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cho biết với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ và lựa chọn được các đơn vị vận tải có đủ năng lực để đảm nhận khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố, Trung tâm đã triển khai các thủ tục tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác trên tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá và một trong các tuyến đầu tiên triển khai thực hiện là gói thầu 4 tuyến gồm số 01, 15, 65 và 152. 

Cũng theo bà Thảo, trong quá trình thực hiện hợp đồng khai thác tuyến theo hình thức đấu thầu, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng sẽ triển khai đánh giá, chấm điểm chất lượng dịch vụ trên 4 tuyến theo Bộ chỉ tiêu KPI do chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tư vấn với những chỉ tiêu rất chi tiết làm cơ sở thanh toán kinh phí trợ giá và xem xét các hình thức thưởng phạt tương ứng. Thông qua đó, kiểm soát nhà thầu thực hiện đúng các trách nhiệm theo hợp đồng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng hơn về chất lượng, thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt. “Hiện Trung tâm cũng đang tổ chức đấu thầu 2 tuyến số 04 và số 43. Trong năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục để đấu thầu 39 tuyến khác. Và trong năm 2022, 2023, Trung tâm cũng sẽ đấu thầu toàn bộ các tuyến còn lại cho các đơn vị có năng lực và uy tín đảm nhận khai khác”, bà Thảo thông tin.

TPHCM: Nâng “chất” 4 tuyến xe buýt có trợ giá 01,15,65,152 2

3 tuyến xe buýt 01, 65 và 152 được đầu tư 42 xe mới 100%.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, Sở đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố nhằm phát huy tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ với mục tiêu ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Qua công tác đấu thầu sẽ chọn được các đơn vị năng lực, quy mô đảm bảo khai thác tuyến xe buýt hiệu quả, đảm bảo phục vụ tốt nhất hành khách đi lại với giá vé không đổi. “Đây là gói thầu đầu tiên được tổ chức đấu thầu thành công sau thời gian dài chưa tổ chức đấu thầu. Qua đó, chọn ra được đơn vị bỏ ra giá trợ giá thấp, vừa tiết kiệm được kinh phí cho nhà nước mà còn đáp ứng Bộ tiêu chí về chất lượng phục vụ. Như vậy, để thực hiện được gói thầu này thì chất lượng phục vụ hành khách phải được nâng lên”, ông Hưng nói.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 90 tuyến có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá.