Chờ...

Xây dựng bộ dữ liệu mở cho nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo

(VOH) - TPHCM rất cần sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Khoa học và Công nghệ trong các dự án cụ thể để hình thành nên hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng AI.

Chiều 2/4, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ về triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 và kế hoạch triển khai Chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030. Trước đó, đoàn công tác đã làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố về chương trình AI.

Xây dựng bộ dữ liệu mở cho nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo 1
Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy (đứng) phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, vấn đề xây dựng dữ liệu mở phục vụ cho việc ứng dụng AI, góp phần thực hiện chuyển đổi số được các đại biểu quan tâm. Phó Giáo sư Tiến sĩ Thoại Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn bày tỏ, liên quan đến dữ liệu thì việc chia sẻ dữ liệu hiện nay đang là vấn đề rất khó, ông kiến nghị: “Các Bộ đều đi theo hướng là tập trung dữ liệu về Bộ, ngay cả dữ liệu đó của địa phương nhưng địa phương cũng không có được. Tương tự, các tập đoàn cũng như vậy. Do đó, chúng ta cần có chính sách từ trên xuống, chúng ta nên nghiên cứu lại chính sách chia sẻ dữ liệu cho địa phương như thế nào, tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng.”

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, trong chuyển đổi số chúng ta có những mục tiêu khác nhau, chuyển đổi số là mục tiêu rất lớn và lâu dài, ví dụ một Sở mà chuyển đổi số được thì phải mất khoảng 10 năm. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đầu tiên là liên quan đến văn hóa và nhận thức – đó chính là tích lũy dữ liệu. “Đầu tiên là tích lũy dữ liệu trên giấy đã: các form, bảng biểu, ghi lại cách thức giải quyết công việc, mức thứ hai là tích lũy dữ liệu giấy đó trên điện tử thì nó mới thành dữ liệu số hóa để điều hành. Sau đó, thay đổi quy trình cải cách hành chính thay đổi quy trình làm việc. Sau đó, số hóa tất cả quy trình đó vào và có dữ liệu. Tiếp theo mới là triển khai ứng dụng AI, rồi mới chuyển dần sang mục tiêu chuyển đổi số.”

Tại buổi làm việc, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có những đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác. Theo đó, để triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030, Thành phố rất cần sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Khoa học và Công nghệ trong các dự án cụ thể để hình thành nên hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng AI.

Cụ thể, đối với xây dựng hạ tầng số: Bộ phối hợp với Thành phố đề xuất ứng dụng AI cho hạ tầng viễn thông 5G, tập trung cho thành phố Thủ Đức. Đối với xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao, đề xuất Bộ trong quá trình xây dựng dự án, phối hợp với Thành phố để xây dựng mạng lưới tính toán hiệu năng cao để kết nối, chia sẻ, dùng chung các trung tâm tính toán hiệu năng cao do Bộ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố đầu tư. Đồng thời phân vùng đầu tư cụ thể đối với các Trung tâm tính toán hiệu năng cao.   

Riêng đối với việc xây dựng các bộ dữ liệu mở cho nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Bộ xây dựng các bộ dữ liệu phục vụ nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, dịch vụ công…làm cơ sở cho việc triển khai các ứng dụng AI cho các lĩnh vực cấp thiết của Thành phố.