Chờ...

Tổng hợp tỷ giá tuần 1/1-7/1: USD khởi đầu năm tương đối lạc quan

VOH - Đồng USD vừa có tuần đầu năm mới với đà tăng khá lạc quan so với các tiền tệ chính. Thị trường vẫn lấy việc xem xét khả năng giảm lãi suất của Fed là mục tiêu trọng tâm.

Đồng USD mở đầu tuần ít thay đổi do thị trường thế giới giao dịch thưa thớt sau kỳ nghỉ Năm mới, một số thị trường như Nhật Bản vẫn đóng cửa cho kỳ nghỉ.

Giới đầu tư đầu năm tiếp tục quan sát chặt chẽ các động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để tìm manh mối cho khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Tổng hợp tỷ giá tuần 1/1-7/1: USD khởi đầu năm tương đối lạc quan 1
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tuần đầu năm 2024, các nhà giao dịch quan tâm đến biên bản cuộc họp Fed tháng 12, các số liệu về việc làm, bảng lương của Mỹ để đánh giá sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ đó đưa ra dự đoán cho việc Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu đợt, sớm chừng nào và giảm bao nhiêu điểm cơ bản.

Đồng euro, bảng Anh và yen Nhật đầu tuần cùng yếu đi so với USD. Các tiền tệ khác như đô la Canada, đô la Australia và đô la New Zealand cũng cùng xu hướng giảm.

Khoảng giữa tuần, USD bật tăng nhờ lợi tức trái phiếu Mỹ lên cao và chứng khoán Mỹ giảm điểm.

Đồng đô la mạnh hơn cũng gây áp lực lên đồng euro và đồng bảng Anh, vốn có hiệu suất hàng ngày tồi tệ nhất trong nhiều tháng vào phiên 2/1

Đồng euro cuối cùng ở mức 1,0949 USD sau khi mất 0,95% trong ngày 2/1, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Đồng bảng Anh tương tự chao đảo gần mức thấp nhất trong ba tuần và chốt ở mức 1,2630 USD, sau khi giảm 0,87% trong phiên trước đó, mức giảm hàng ngày mạnh nhất trong gần ba tháng.

Đồng yen Nhật giữa tuần duy trì vị thế so với USD.

Biên bản cuộc họp Fed công bố hôm 3/1 đã giúp USD sau đó tăng tiếp, đẩy các đồng tiền khác vào đà giảm.

So với đồng yen, đồng đô la đứng gần mức cao nhất trong hai tuần.

Đồng đô la Australia, thường được sử dụng làm đại diện cho khẩu vị rủi ro, đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong hai tuần. Đồng đô la New Zealand nhạy cảm với rủi ro cũng giảm gần mức yếu nhất trong hai tuần.

Đồng euro cũng giảm trong khi bảng Anh tăng nhẹ.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed công bố hôm thứ Tư cho thấy các quan chức tin rằng lạm phát đang được kiểm soát. Ngoài ra, các số liệu công bố cùng ngày cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 12, mặc dù tốc độ  giảm đã chậm lại, trong khi cơ hội việc làm ở Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 11, cho thấy các điều kiện ở thị trường lao động đang nới lỏng bớt.

Phiên 5/1, USD vào trạng thái “chờ” trong bối cảnh thị trường đợi có bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.

Đồng euro và bảng Anh cùng tăng nhẹ nhưng vẫn trong xu hướng kết thúc tuần giảm. Có thời điểm bảng Anh chạm mức giảm hàng ngày mạnh nhất trong gần ba tháng, euro ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7/2023.

Yen Nhật tiếp tục lao dốc trước sức mạnh của đô la Mỹ.

Phiên cuối tuần, USD tiếp tục đi ngang sau khi các báo cáo về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập, chỉ số PMI phi sản xuất tháng 12 của ISM…được tung ra, cho thấy có chút dấu hiệu yếu kém, nhưng xét về tổng thể kinh tế Mỹ vẫn giữ được sự kiên cường.

Đồng yen Nhật cuối tuần vẫn chưa thể thoát khỏi đà giảm so với USD, euro cũng cùng xu hướng giảm, kết thúc chuỗi tuần tăng giá cuối năm 2023.