Bên cạnh đó, hàng loạt các kết quả quan trọng đạt được trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 - 39 và 11 Hội nghị cấp cao với các Đối tác, do Nước Chủ tịch Brunei chủ trì theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị và có các bài phát biểu đóng góp quan trọng tại các hội nghị.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó với dịch COVID-19. Kết thúc hội nghị, các văn kiện nổi bật đã được thông qua như: Tuyên bố Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan về Sáng kiến Tổng thể Kết nối các Sáng kiến ASEAN về Ứng phó với Thảm họa và các Tình huống Khẩn cấp, Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Đề cao chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 2 trọng tâm ASEAN cần tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của cả cộng đồng; trong đó, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thứ hai, ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới và củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.
Còn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 39, các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi về quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, các Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN là yếu tố then chốt, cần được củng cố và tôn trọng, tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi.
Về Biển Đông, các nhà Lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hội nghị cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, các nhà Lãnh đạo khẳng định, đoàn kết chính là chìa khoá để ASEAN và Myanmar có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những phức tạp hiện nay.
Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN 38-39 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự 11 hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác, trong đó có Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 22 và Hội nghị cấp cap ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đã thông báo đóng góp bổ sung thêm 5 triệu USD cho Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19; công bố Sáng kiến Y tế công cộng và vắc-xin ASEAN-Hàn Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đề xuất lập hai bên lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu và phát triển y tế công cộng ASEAN-Trung Quốc, đồng thời công bố Trung Quốc bổ sung 10 triệu USD cho Quỹ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc.
Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Trung Quốc, hai bên nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ nhất được tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm 27/10, các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa ASEAN và Australia.
Nhân dịp sự kiện lịch sử này, Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố khoản đầu tư 154 triệu AUD (hơn 100 triệu USD) nhằm thúc đẩy hợp tác với ASEAN, đồng thời tái khẳng định Australia ủng hộ một khu vực hòa bình, ổn định, kiên cường và thịnh vượng, với ASEAN là trung tâm.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện nhấn mạnh cam kết của Australia đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và định vị mối quan hệ đối tác giữa hai bên trong tương lai.
Ông tái khẳng định một ASEAN mạnh mẽ, đoàn kết và kiên cường là yếu tố quan trọng đối với thành công của khu vực và hỗ trợ an ninh và thịnh vượng của Australia.
Về thỏa thuận an ninh 3 bên mới được công bố giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS), Thủ tướng Morrison cho biết AUKUS nhằm thúc đẩy chia sẻ công nghệ và năng lực giữa 3 thành viên đều là đối tác đối thoại của ASEAN. Theo ông, AUKUS không thay đổi cam kết của Australia đối với ASEAN hoặc Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà giúp củng cố sự ủng hộ mà nước này dành cho cấu trúc khu vực trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16 tổ chức theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo ASEAN trong đó có Tổng thống Indonesia Joko Widodo hy vọng rằng đối đầu giữa các cường quốc trong khu vực sẽ chấm dứt nhằm tạo ổn định về an ninh.
Báo chí dẫn lời Tổng thống Jokowi cho rằng để xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả hơn, cần có ổn định, an ninh và hòa bình. Theo ông, các động lực địa chính trị khu vực đang rơi vào một “quỹ đạo tiêu cực” và thế đối đầu giữa các nước lớn tiếp tục là vấn đề lớn nhất, gây khó khăn cho việc đoàn kết và hành động tập thể.
Người đứng đầu nhà nước Indonesia nhấn mạnh rằng không ai được lợi nếu tình trạng này còn tiếp diễn. Do đó, cần chấm dứt tình trạng này ngay lập tức. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nỗ lực cụ thể nào nhằm chấm dứt vấn đề này.
Theo ông Jokowi, 10 năm trước, Nguyên tắc Bali đã được nhất trí là “luật chơi” cho các mối quan hệ hữu nghị và cùng có lợi giữa các nước. Ngoài ra, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) cũng đã được thiết kế nhằm giải quyết các thách thức này.
Tất cả các nhà lãnh đạo Đông Á (EAS) đều tin tưởng rằng hợp tác thực sự sẽ giúp xây dựng lòng tin và tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, trong đó vai trò trung tâm của ASEAN phải được coi là cốt lõi.