Chờ...

Du lịch lại lao đao vì dịch !

(VOH) - Việc xuất hiện trở lại của ca dương tính với Covid-19 từ cộng đồng mà chưa rõ nguồn lây làm hơn 30% lượng khách hủy tour, 70% thì chuyển sang một kỳ du lịch khác chưa xác định ngày khởi hành.

Từ tháng 6 đến nay, chương trình kích cầu du lịch với chủ trương “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” bước đầu có những tín hiệu khởi sắc, ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của mảng du lịch nội địa thì mới đây, ngày 25/7, thông tin Đà Nẵng có 2 ca dương tính với Covid từ cộng đồng như một đòn giáng mạnh vào tâm lý của du khách khiến họ e ngại trong quyết định chọn ngày đi du lịch của mình.

Thông tin tìm hiểu cho thấy, sau 3 tháng kiểm soát tốt diễn biến của dịch SAR CoV-2 thì với việc xuất hiện của ca dương tính với Covid-19 từ cộng đồng mà chưa rõ nguồn lây làm hơn 30% lượng khách hủy tour, còn 70% thì chuyển sang một kỳ du lịch khác chưa xác định ngày khởi hành. Đây là những gì đang diễn ra của thị trường du lịch nước ta.

Du lịch lại lao đao vì dịch

Khách vật vã chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh chụp chiều 24/7).

Cho đến ngày 24/7, các hoạt động du lịch trong cả nước vẫn rất nhộn nhịp. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM trong buổi sáng cùng ngày, dòng người vẫn rồng rắn xếp hàng để qua cổng an ninh soát vé. Trong khu vực chờ để làm thủ tục ra máy bay, lượng khách cũng ùn ứ hàng giờ do nhiều chuyến bay bị chậm, trễ chuyến.

Bên cạnh đó, do một đường băng trong sân ga Tân Sơn Nhất phải sửa chữa, nâng cấp nên năng suất cất/hạ cánh cũng giảm so với trước đó. Điều này cũng góp phần làm cho lượng hành khách dồn lại đông hơn.

Chị Dương Thị Thủy Tiên, quận Gò Vấp cho biết, từ 24 - 27/7, chị và nhóm bạn có chuyến đi Quảng Ngãi để khám phá Cổ Lũy Cô Thôn - một trong 12 danh thắng nổi tiếng nằm ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi làm thủ tục ở cổng an ninh xong, chuyến bay của chị bị báo trễ gần một tiếng đồng hồ. Chị cho biết, một số chuyến ở lộ trình khác bị lùi thời gian bay gần 2,3 tiếng đồng hồ. Khách dồn lại nhiều hơn nên mọi người phải chen chúc nhau để tìm kiếm ghế ngồi.

Năm nay, cao điểm du lịch hè đã bắt đầu từ đầu tháng 7. Song hành cùng với điểm đến nối tiếng như Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng, Vũng Tàu, các thành phố biển ở khu vực miền Trung như Quy Nhơn, Tuy Hòa… dịch vụ phòng ốc, lưu trú luôn trong tình trạng cháy phòng. Tuy nhiên, đáng tiếc là tín hiệu đáng mừng đó không được kéo dài lâu khi thông tin dịch Covid-19 đã xuất hiện ở Đà Nẵng với 2 bệnh nhân dương tính nhưng lại không xác định được nguồn lây. Điều này khiến du khách, đặc biệt là khách đi nhóm cùng với gia đình rất dè dặt trong việc thực hiện các tour như đã dự tính.

Bà Hoàng Thu Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho hay, mấy ngày qua, đã có những đoàn khách báo hủy tour tới Bình Định trong dịp này:

"Hiện có một số ngành như Kho bạc đã yêu cầu cán bộ công nhân viên trực thuộc ở mỗi địa phương không được di chuyển ra khỏi các tỉnh. Một số đơn vị hoạt động theo ngành dọc khác cũng có những yêu cầu như vậy. Khách đi theo đoàn dạng này đã báo tour hủy và tôi cũng đã nhận được thông báo hủy của cả 2 đầu TPHCM, Hà Nội. Đây là do tâm lý của khách sợ bị lây lan chứ không phải do điểm đến không an toàn.

Thậm chí, một số tour đưa khách trong tỉnh ra ngoài tỉnh, đi đến những điểm đến an toàn ở phía Bắc hoặc miền Nam - không liên quan gì đến Đà Nẵng nhưng họ cũng báo hủy. Hiệp hội cũng ghi nhận một số doanh nghiệp thành viên có lượng khách đoàn hủy tour khá nhiều".

Bà Sen dự đoán, với tình trạng như hiện tại nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ là những yếu tố bất lợi để du khách có thể an tâm cho hành trình của mình.

Du lịch lại lao đao vì dịch

Cảnh khu vực hai bên Cầu Rồng Đà Nẵng vốn đông đúc du khách chụp ảnh kỷ niệm nay đã vắng vẻ trở lại như đợt cách ly xã hội lần trước.

Tình hình cũng tương tự như ở Đà Lạt, nếu như trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, Đà Lạt được phản ánh là tập trung khá đông du khách. Nhiều tuyến đường khu vực nội đô, đặc biệt là quanh khu vực Hòa Bình như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trỗi… tình trạng kẹt xe diễn ra suốt ngày, tuy nhiên, trong sáng thứ 2 vừa qua, khách đã giảm khá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Du lịch Lâm Đồng cho hay, lượng khách tuy có xu hướng giảm nhưng do rơi vào ngày thứ 2 đầu tuần nên chưa thể dự đoán được chính xác số lượng tăng giảm cụ thể ra sao. Tuy nhiên, để tạo tâm lý an tâm cho du khách, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định về các biện pháp an toàn ở các nơi công cộng, các điểm tham quan.

"Hiện, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo rất kỹ về vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Ngành Du lịch cũng đã có văn bản thông báo đến các cơ sở lưu trú, các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch làm nghiêm chỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống dịch. Du khách ra nơi công cộng được khuyến cáo phải đeo khẩu trang.

Các điểm đến phải có nước rửa khử khuẩn, phun xịt ở nơi công cộng. Các nơi lưu trú phải chấp hành nghiêm việc đăng ký khách. Khách nào ở những nơi có nguy cơ dịch thì phải yêu cầu khai báo y tế và gửi danh sách đó về ngành y tế để theo dõi. Khi có dấu hiệu của sốt, ho thì ngành y tế sẽ đến kiểm tra ngay. Làm nghiêm như thế để đảm bảo công tác phòng dịch được an toàn cho du khách", bà Nguyên thông tin thêm.

Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Tổng Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Du lịch vừa và nhỏ Việt Nam cho hay, khảo sát qua các đơn vị thành viên trực thuộc cho thấy, những diễn biến của dịch đã khiến cho nhiều du khách thay đổi quyết định của mình. Cụ thể, hơn 60% lượng khách đã hủy tour đi tất cả các tuyến trong nước ở tháng 7 này và chuyển đổi tour qua tháng 8, 20% lượng khách chuyển sang tháng 9 hoặc tháng 10.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngày khởi hành cũng khiến một số khách phải chịu mất phí cho các hãng hàng không - nếu tự túc vé: "Trước mắt, du khách đã hủy hơn 60% ở tất cả các tuyến. Đây là hiệu ứng tâm lý chung của du khách do lo sợ. Hiện nay, ngoại trừ chuyến bay về Đà Nẵng khi hủy vé máy bay đều được hoàn, hoãn hoặc trả vé nhưng với các đường bay khác, khách muốn hủy hoặc đổi sẽ phải bị mất phí chênh lệch nếu muốn đổi ngày, giờ.

Cho đến tháng 9, nếu dịch không được kiểm soát, lượng khách sẽ còn giảm tiếp. Đây là bài toán khó khăn cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là lữ hành cũng như các chuỗi dịch vụ trong ngành trong thời gian tới".

Tại TPHCM, thị trường du khách trọng điểm của cả nước cũng ghi nhận sự thay đổi thời gian khởi hành của tour do yêu cầu của khách. Đại diện một đơn vị du lịch lớn ở TPHCM cho hay, do tâm lý lo lắng nên hầu như 30% du khách chọn hình thức hủy tour để ở nhà, còn lại gần 70% số khách xin dời ngày khởi hành sang tháng khách chưa xác định thời điểm.

Bản thân công ty của chị vừa có đoàn 160 khách tham quan, khám phá Đà Nẵng đúng đợt phát hiện 2 ca bệnh dương tính SAR CoV-2. Nắm bắt diễn biến tâm lý khách hàng, dù chưa đến ngày về song đơn vị đã đàm phán với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines để dời ngày về sớm hơn dự kiến nhưng không bị mất phí: "Cũng tùy từng trường hợp. Như chuyến mà đoàn chúng tôi vừa về từ Đà Nẵng vừa rồi chẳng hạn, họ cho đổi chuyến kịp thời vì có những văn bản hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam. Văn bản này hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp đổi chuyến không mất phí một lần.

Những booking của các đối tác ở Đà Nẵng, họ cũng không thu phí mà được giữ lại cọc để chuyển cho một đoàn sau. Riêng đối với những tour đến các điểm đến an toàn, do khách lo ngại mà chủ động hủy thì họ vẫn phải bị phạt cọc bình thường. Chẳng hạn, đối với tour đi Hà Nội - đây vẫn là điểm đến an toàn, nhưng tâm lý khách vẫn cứ lo vì có những người Hà Nội vừa đi Đà Nẵng về đâu biết có ai mang bệnh mà đang âm ỉ. Họ ngại, không đi thì lúc đó vẫn phải bị phạt cọc bình thường".

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM, đoàn khách 160 người của công ty này sau khi về tới Thành phố đã thực hiện cách ly theo quy định. Mỗi ngày đều được kiểm tra thân nhiệt và làm đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu của Bộ Y tế: "Đoàn tôi đi Đà Nẵng về khuya hôm 26, rạng sáng ngày 27/7. Cả đoàn tới một ngôi nhà riêng không có người ở để cách ly theo địa phương chứ không về gia đình. Chúng tôi đã khai báo y tế đầy đủ từ khi vô sân bay Đà Nẵng. Đến sân bay Tân Sơn Nhất, họ có lối đi riêng cho đoàn.

Cả hành trình chúng tôi đều đeo khẩu trang suốt, phường tới lập biên bản cách ly, có lực lượng y tế đến kiểm tra sức khỏe. Buổi sáng nhân viên y tế phường tới đo sức khỏe, chiều thì chúng tôi đo và gửi kết quả về cho họ".

Hiện nay, tại Đà Nẵng đã triển khai thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo đúng Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và những quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Bà Nguyễn Thanh Hằng, Trưởng Ban Quản lý và Phát triển Hội Du lịch Cộng đồng VCTC cho hay, do những yếu tố khách quan nên việc hủy tour giữa chừng thì chi phí cho các dịch vụ đã đặt trước, doanh nghiệp lữ hành vẫn phải chi trả.

Nếu tour chưa khởi hành, tùy theo điều khoản của hợp đồng tour mà khách sẽ phải đồng chi trả căn cứ theo quy định trong hợp đồng đó. Trường hợp các doanh nghiệp lớn muốn giữ chân khách hàng của mình sẽ tự chi trả các chi phí dịch vụ đã đặt trước. Bà Hằng nói: "Có đối tác hoàn tiền hoặc bảo lưu tiền lại thì doanh nghiệp lữ hành cũng đỡ lo. Riêng những tour đang đi mà bị hủy thì có rất nhiều điều phát sinh đột xuất khiến doanh nghiệp lữ hành phải chịu như đặt dịch vụ nhà hàng rồi mà hủy thì chúng tôi vẫn phải chịu. Khách nào hiểu được họ đồng ý chia sẻ chi phí thiệt hại thì cũng đỡ còn không thì thôi.

Ngay khi có thông tin giãn cách xã hội toàn Đà Nẵng, khách thường không chịu ở Đà Nẵng nữa mà đòi di chuyển qua Huế hoặc các tỉnh lân cận, lúc đó phải có phương tiện, book phòng, book vé tham quan thì chi phí phát sinh này doanh nghiệp lữ hành phải chịu hết".

Như vậy, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tiếp tục có tác động đến ngành du lịch của nước ta. Trước những diễn biến như hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, với tâm lý lo lắng của du khách, có lẽ cho đến hết tháng 8, hoạt động du lịch của Việt Nam khó có thể nhộn nhịp trở lại nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt.

Bài, ảnh: Hữu Nghị