Chờ...

Hội nghị G20 - Nỗ lực giải quyết nhiều thách thức toàn cầu

(VOH) - Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc hôm qua (7/7) tại đảo Bali của Indonesia.

Diễn ra trong 2 ngày, hội nghị sẽ tìm cách giải quyết một loạt thách thức mà cả thế giới đang phải đối mặt, trong đó có khủng hoảng Nga – phương Tây phủ bóng đen lên hội nghị, nhưng những nỗ lực của nước chủ nhà Indonesia làm dấy lên hy vọng diễn đàn này sẽ mở ra bước tiến trong giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện nay, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine.

Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2022 nhằm mục đích tăng cường hợp tác thông qua đối thoại để hồi sinh chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Suy thoái kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực và an ninh năng lượng được cho sẽ là các chủ đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc họp tại Bali. Hội nghị cũng là bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới cũng tại Bali, Indonesia. Dự kiến, hội nghị sẽ không ra văn bản hoặc thông cáo chính thức, nhưng sẽ tăng cường hợp tác cụ thể giữa các quốc gia trong tương lai.

Hội nghị G20 - Nỗ lực giải quyết nhiều thách thức toàn cầu 1
Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2022 nhằm mục đích tăng cường hợp tác thông qua đối thoại để hồi sinh chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Diễn ra vào ngày 7-8/7 tại Bali, G20 FMM bao gồm hai phiên họp. Phiên đầu tiên về tăng cường chủ nghĩa đa phương sẽ thảo luận các động thái chung nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới.

Trong phiên đầu tiên, hai diễn giả đặc biệt gồm Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và Giáo sư Jeffrey Sachs thuộc Đại học Columbia (Mỹ) sẽ chia sẻ ý kiến và quan điểm về việc tăng cường các nguyên tắc và diễn đàn đa phương trong bối cảnh tình hình địa chính trị hiện nay.

Phiên thứ hai về an ninh lương thực và an ninh năng lượng sẽ thảo luận về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Tại phiên này, ba diễn giả đặc biệt - bao gồm Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và là đồng Chủ tịch Chương trình Hành động Năng lượng Liên hợp quốc (UN-Energy) Damilola Ogunbiyi, và Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Mari Elka Pangestu - sẽ chia sẻ về tác động của cuộc xung đột hiện nay đối với kinh tế và sự phát triển của thế giới.

Theo các nhà phân tích, việc quy tụ được đại diện của tất cả các nước thành viên giữa những lời kêu gọi, sức ép đòi tẩy chay và loại Nga ra khỏi G20 đã là một thành công đáng kể của Indonesia cho đến thời điểm này, với tư cách người cầm lái nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay.

Với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia cũng mời Ukraine tham dự. Như vậy, hội nghị lần này đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngoại giao Nga và Ukraine cùng có mặt tại một diễn đàn quan trọng kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua. Do đó, những phản ứng tại phiên phát biểu của Ngoại trưởng Nga và Ukraine, khả năng xảy ra đấu khẩu căng thẳng giữa đại diện phương Tây và Moskva sẽ là những điều dư luận quan tâm hiện nay.

Hội nghị có thể không đạt kết quả cụ thể, nhưng cách tiếp cận cân bằng của Jakarta đã làm hài lòng cả những nước ủng hộ sự tham gia của Nga trong G20 cũng như các nước phương Tây khi tạo cơ hội để Moskva và Kiev bày tỏ ý kiến tại diễn đàn này. Trước cuộc gặp tại Bali, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Đức và đến thăm cả Kiev và Moskva để gặp gỡ lãnh đạo cao nhất của hai nước. Trong khi sứ mệnh trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine chưa mang lại đột phá, kết quả chuyến công du châu Âu của nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á có thể tạo tiền đề giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Trước lời kêu gọi của Indonesia, G7 đã nhất trí không áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các mặt hàng ngũ cốc và phân bón của Nga. Chuyến thăm con thoi cả Ukraine và Nga của Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong các ngày 29 và 30/6 có lẽ là động thái ngoại giao đáng chú ý nhất cho đến nay của một nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á trong cuộc xung đột Ukraine - Nga.

Bên lề hội nghị ngoại trưởng G20, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ có cuộc gặp nhằm thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng và tăng cường hợp tác. Cụ thể, hai quan chức ngoại giao sẽ gặp gỡ để tìm ra những "phương án có trách nhiệm" nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như chống biến đổi khí hậu, chống ma túy xuyên quốc gia và an ninh sức khỏe toàn cầu cũng được thảo luận.

Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, ông Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ sẽ "trao đổi quan điểm về tình trạng quan hệ Mỹ-Trung, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực”. Tham vấn Mỹ-Trung được đẩy mạnh từ tháng trước, với việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, quan chức Ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - tại Luxembourg.

Kế đến là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước bên lề Đối thoại Shangri La 2022 tại Singapore. Ngày 5/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trong bối cảnh Tổng thống Biden đang xem xét khả năng nới lỏng trừng phạt thuế chống Trung Quốc áp đặt từ thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump./.