Chờ...

Nâng tầm hạt gạo Việt: cần chiến lược, thương hiệu bài bản

(VOH) - Sự kiện gạo ST25 của VN vừa được vinh danh là "Gạo ngon nhất thế giới" tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 được tổ chức tại Philippines đem đến niềm vui khôn tả cho người dân VN.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn với ngành lúa gạo Việt Nam khi hạt gạo nước ta đã vượt qua được các giống gạo ngon của Thái Lan, Campuchia để giành giải Nhất. Đây cũng là cơ hội “vàng” để xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam sau 30 năm trầy trật xuất khẩu.

Gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang

Gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang. Ảnh: TPO

Việc hạt gạo được vinh danh gạo đứng đầu thế giới lần này một lần nữa khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam. ST25 có nhiều ưu điểm đặc biệt, thậm chí hơn hẳn gạo của các nước khác. Ngoài thơm ngon, dòng gạo ST25 còn có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn, có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm. Dòng ST này được sản xuất theo quy trình gạo sạch, chế biến theo dây chuyền hiện đại, công nghệ Thụy Sĩ với mục tiêu 3 không: Không hàm lượng: Cadimi, aflatoxin, không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không dùng hóa chất tạo mùi.

Trước đó, gạo ST24 đã lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World's Best Rice tại Macao. Năm 2018, giống này lại đoạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3. Năm 2019, giống ST24, ST25 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam tuyển chọn dự thi quốc tế, cả hai cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất.

Danh hiệu của ST25 đã vang xa khi những ngày qua, người dân Việt Nam tìm mua gạo ST24, ST25 khiến gạo này liên tục trong tình trạng “cháy hàng”. Ở thị trường nội địa, gạo ST25 coi như đã có chỗ đứng nhờ truyền thông đưa tin, các công ty lúa gạo phân phối, giúp mở rộng sản xuất. Người Thái sau vụ ST24, ST25 được công nhận này cũng đã hỏi mua gạo với khối lượng lớn để phân phối ra toàn cầu.

Vinh dự ấy, không chỉ tưởng thưởng cho đội ngũ làm ra hạt giống quý này. Hơn cả đó là niềm tự hào của một quốc gia đã nghiên cứu, tạo ra giống gạo ngon đưa ra thế giới để phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng là niềm vui lớn cho người nông dân chân lấm tay bùn lâu nay vất vả trồng lúa, nay lại có thêm hạt giống quý để có cơ hội “trở mình”.

Thế nhưng, niềm vui của người sản xuất giống ST cũng canh cánh nhiều nỗi lo. Lo về quản lý giống và chống hàng giả. Lo về những quy định rối bời trong xuất khẩu của nước ta và hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu gạo.

Không đâu xa, ngay tại nơi làm ra hạt giống này là Sóc Trăng, nhiều giống giả gạo ST xuất hiện nhan nhản nhưng cơ quan chức năng vẫn ngó lơ. Thực tế từ khi đưa giống ST24 ra thị trường đến giờ, người làm ra giống ST luôn bị lỗ vì bị làm giả quá nhiều, trong khi giống ST thật lại không bán được bao nhiêu.

Chưa hết, Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo từng xôn xao một thời, cũng là yếu tố gây khó khăn cho hạt gạo Việt.Sau đó Nghị định 107/2018 thay thế nghị định này có cải tiến đôi chút nhưng điều kiện tham gia xuất khẩu gạo quá chằng chịt trói buộc những doanh nghiệp sản xuất gạo chất lượng cao chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Chưa kể tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn khi các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu, đặt ra các hàng rào kỹ thuật, đòi đáp ứng  các tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Chỉ tính riêng quý 3 năm nay, giá cả gạo Việt Nam rớt thảm hại. Giá gạo xuất khẩu đã “chạm đáy” trong 12 năm qua với mức giá 325 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 đô la Mỹ/tấn. Và dù được trao giải gạo ngon nhất thế giới, thế nhưng, giá bán dòng ST25 cao nhất cũng chỉ ở mức 750 - 800 đô la Mỹ/tấn. Trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất không bằng nhưng được bán với giá lên đến 1.100 - 1.200 đô la Mỹ/tấn chỉ vì họ làm thương hiệu tốt. Thái Lan từ lâu đã xây dựng chuẩn mực cho gạo thơm quốc gia. Các chuẩn mực này đã được nâng lên 3 lần trong 20 năm qua.

Trong khi đó, ngoài ST25, Việt Nam có nhiều giống gạo đặc sản, chất lượng tuyệt phẩm khác như Jasmine, nếp cái hoa vàng, gạo nàng hoa… nhưng công nghệ sau chế biến chưa phát triển. Điều này khiến Việt Nam từ trước đến nay chỉ mới được biết đến như một quốc gia sản xuất nhiều gạo nhất chứ không phải ngon nhất.Và dù gạo Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 150 thị trường nhưng hầu như vẫn chưa có thương hiệu trên thế giới.Nhiều chính sách đã được đưa ra để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu nhưng hầu như chưa đem lại hiệu quả thực sự.Việt Nam chỉ có thể xây dựng thương hiệu cho hạt gạo khi nào kiểm soát được chất lượng hạt giống.Không kiểm soát được đâu là giống lúa thật sẽ tiêu diệt gạo ST và không đẩy lùi được hàng giả.

Việc gạo ST25 giành được thứ hạng cao nhất trên thế giới chính là cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Đây chính là niềm vinh dự của quốc gia nên rất cần sự chung vai của Nhà nước để hỗ trợ quy hoạch vùng nguyên liệu trồng bài bản, đảm bảo nguồn cung ổn định, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho hạt gạo. Nhà nước cũng cần làm hết trách nhiệm để bảo hộ bản quyền gạo Việt: đặt tên giống, đưa bộ giống xây dựng thương hiệu vào danh mục, quy vùng chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn độ thuần, kiểm soát thị trường giống. Làm được những điều này sẽ ra lộ trình xây dựng thương hiệu. Gạo Việt, cứ đầy đủ các tiêu chuẩn này sẽ được in dòng chữ thương hiệu quốc gia Việt Nam. Bởi thiếu thương hiệu, hạt gạo Việt Nam dễ bị tổn thương khi thị trường biến động. Việt Nam cần quyết liệt sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, có kế hoạch phát triển giống lúa thơm ngon một cách tích cực. Tránh lợi ích nhóm để giữ vững thương hiệu gạo Việt lâu dài.