Chờ...

Tranh của ‘Tứ kiệt Đông Dương’ lần đầu tiên triển lãm tại Việt Nam

(VOH) - Tác phẩm của bốn họa sĩ hàng đầu gồm Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm lần đầu tiên ra mắt công chúng tại Việt Nam qua sự bảo trợ của nhà đấu giá danh tiếng Sotheby's.

Triển lãm có chủ đề “Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn xưa Bến lạ” do Sotheby’s - một trong những nhà đấu giá tranh và đồ cổ lâu đời và uy tín nhất thế giới - bảo trợ. Đây là sự kiện không chỉ mang vai trò đánh dấu lần đầu tiên một đơn vị bảo trợ nghệ thuật quốc tế tổ chức triển lãm, mà còn là một trong những triển lãm tranh Đông Dương có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Triển lãm trưng bày 56 tác phẩm của các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm) - bộ tứ danh họa tốt nghiệp từ những khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương, hay còn được mệnh danh là "Tứ kiệt Đông Dương". 

Đồng giám tuyển triển lãm lần này, cùng với nhóm chuyên gia nghệ thuật của Sotheby’s là Ace Lê - Tổng Biên tập Tạp chí Art Republik Việt Nam, thành viên ban cố vấn Kho dữ liệu Nghệ thuật Việt Nam (ViAA), thành viên chương trình Lãnh đạo Nghệ thuật Quốc tế 2022 của Hội đồng Nghệ thuật Australia.

Theo Ace Lê, đa số tranh lần đầu được giới thiệu với khán giả Việt với mục đích phi thương mại. Tác phẩm trưng bày thuộc các bộ sưu tập cá nhân trong nước, do chủ sở hữu mua đấu giá từ nước ngoài và được chọn lọc từ 200 bức tranh do các nhà sưu tập đề xuất.

Triển lãm góp phần quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam qua lăng kính của một nhóm nghệ sĩ tài danh vào hàng bậc nhất thế giới. Loạt tác phẩm trong triển lãm là một lát cắt minh họa cho giai đoạn sáng tác ở hải ngoại của bốn họa sĩ, thể hiện tâm thế luôn hướng về quê hương thông qua những tuyến chủ đề quen thuộc bắt nguồn từ mạch ký ức, hoài niệm của mỗi người – hoa cỏ và cảnh quan, gia đình và phong tục, văn hóa và kiến trúc, giá trị và tư tưởng – đan xen và hòa quyện với những góc tiếp cận mới mẻ thu nạp được từ quãng đời viễn xứ tại Pháp.

Theo giám tuyển Ace Lê, tranh của bộ tứ danh họa đã đạt độ quý hiếm đến mức khán giả đại chúng khó tiếp cận, chỉ có thể xem qua sách báo, tư liệu video. Những nhà sưu tập mua tranh lại có xu hướng trưng bày trong tư gia. Triển lãm lần này là sự hợp tác của đôi bên - đơn vị tổ chức và nhà sưu tập, giúp khán giả có dịp thưởng lãm các kiệt tác. Họ không gặp khó khi thuyết phục các chủ sở hữu tranh vì đơn vị tổ chức đã có uy tín nhất định.

Đại diện của Sotheby’s nói đây là sự kiện cần thiết để các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương tiếp cận tới công chúng. Quá trình chuẩn bị triển lãm diễn ra vỏn vẹn trong 3 tháng, phải đáp ứng những yêu cầu gắt gao về việc vận chuyển, giám định, bảo quản cũng như trưng bày theo quy chuẩn quốc tế. Phía đơn vị tổ chức cũng cử 5 chuyên viên sang Việt Nam để giám sát mọi khâu trong triển lãm. Được biết, tổng giá trị  bảo hiểm cho các tác phẩm trong triển lãm lên đến vài chục triệu USD. 

Tại sự kiện khai mạc, ông Nathan Drahi - đại diện đơn vị Sotheby's châu Á - cho biết triển lãm “Hồn xưa bến lạ” như “cuộc hồi hương” sau nhiều năm tác phẩm của bộ tứ danh họa lưu lạc ở nước ngoài, về tay các nhà sưu tập quốc tế. "Chúng tôi xem đây là sự kiện cần thiết để công chúng tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, đồng thời hy vọng là bước tiến tích cực cho thị trường tranh Việt, đặc biệt trong bối cảnh giá tranh tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh thật - giả vẫn còn nhiều khúc mắc", Nathan nói.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:

Tranh của ‘Tứ kiệt Đông Dương’ lần đầu tiên triển lãm tại Việt Nam
Lê Phổ, “Đền Cổ Loa” (1934), 44 x 62cm, sơn dầu trên toan
Tranh của ‘Tứ kiệt Đông Dương’ lần đầu tiên triển lãm tại Việt Nam
Lê Phổ, “Thiếu nữ vuốt tóc” (khoảng 1936-1938), 35.5 x
28cm, bột màu trên lụa
Tranh của ‘Tứ kiệt Đông Dương’ lần đầu tiên triển lãm tại Việt Nam
Lê Thị Lựu, “Nhạc công truyền thống” (khoảng 1960-1970),
35 x 45cm, mực và màu trên lụa
Tranh của ‘Tứ kiệt Đông Dương’ lần đầu tiên triển lãm tại Việt Nam
Mai Trung Thứ, “Hai mỹ nữ” (khoảng 1942), 58 x 34cm, bột màu
trên lụa
Tranh của ‘Tứ kiệt Đông Dương’ lần đầu tiên triển lãm tại Việt Nam
Vũ Cao Đàm, “Hai thiếu nữ” (1939), 47 x 58.5cm, mực và bột
màu trên lụa

Thời gian qua, tranh của hoạ sĩ Lê Phổ và Mai Trung Thứ liên tục lập kỷ lục về giá trên sàn quốc tế. Bức Chân dung cô Phương (Portrait of Mademoiselle Phuong) của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD trong đợt đấu giá tháng 4/2021. Danh hoạ Lê Phổ cũng có 4 tranh cán mốc triệu USD gồm Thiếu nữ choàng khăn (1,1 triệu USD), Khoả thân (1,4 triệu USD), Đời sống gia đình (1,1 triệu USD) và Dáng hình trong vườn (2,28 triệu USD).

Đại diện triển lãm nhìn nhận các tác phẩm tranh Đông Dương ngày càng có giá trị cao trên thị trường quốc tế. Do đó, họ kỳ vọng qua sự kiện sẽ góp phần mở ra một cánh cửa triển vọng cho thị trường mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới. 

Triển lãm tranh “Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ” diễn ra từ ngày 11 đến 14/7/2022 tại khách sạn Park Hyatt Saigon - số 2 Công trường Lam Sơn, quận 1, TPHCM.