Tiêu điểm: Nhân Humanity

Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025

(VOH) - Sau 4 ngày làm việc, sáng 18/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra phiên bế mạc Đại hội.

Sau đây, VOH trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến hành từ ngày 14 tháng 10 năm 2020 đến ngày 18 tháng 10 năm 2020 đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao, dân chủ, đoàn kết, đổi mới. Sau khi thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố đóng góp vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tiếp thu phát biểu chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ và thảo luận tại Đại hội; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố

Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI ra mắt Đại hội.

QUYẾT NGHỊ

I. Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng hệ thống chính trị thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.

1. VỀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2015 - 2020, ĐẠI HỘI KHẲNG ĐỊNH

Năm năm qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ, đan xen những diễn biến phức tạp trên thế giới và khó khăn trong nước tác động bất lợi, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; hoàn thành 11/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, trong đó, 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng và dịch vụ đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực. Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển. Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách, có công có nhiều tiến bộ. Năm 2020, thành phố đã quyết liệt phòng, chống dịch Covid - 19 thành công với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua yêu nước tiếp tục có bước phát triển. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động Nhân dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả có ý nghĩa. Hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động hiệu quả hơn; cán bộ, đảng viên tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lòng tin trong Nhân dân từng bước được củng cố, đóng góp quan trọng vào ổn định, bảo vệ và phát triển thành phố. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII đã được các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị và Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy. Công tác tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng, phát huy vai trò nêu gương của cấp ủy, nhất là người đứng đầu có tiến bộ.

Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và Ban Thường vụ Thành ủy đoàn kết, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện đúng quy chế làm việc, có tính chiến đấu, chịu trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân thành phố, có nhiều nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo để tạo cơ chế và mô hình mới phát triển thành phố, vì cả nước, cùng cả nước.

Yếu kém lớn nhất trong lãnh đạo của Thành ủy là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của thành phố, của hợp tác Vùng và hợp tác quốc tế để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của Nhân dân và đòi hỏi phát triển của thành phố.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm mạnh; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; chế độ chính sách để thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển còn hạn chế, chưa phát huy hết nguồn lực khoa học - công nghệ của thành phố; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư còn thấp so với nhu cầu; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến thành phố vẫn còn. Công tác quản lý quy hoạch gặp nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Việc phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ thành phố gắn với công tác phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đạt yêu cầu; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có mặt còn yếu kém; việc phát hiện tham nhũng còn ít so với thực tế; nhận thức về công tác dân vận trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có mặt còn chậm.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo trong 5 năm qua, rút ra một số kinh nghiệm

Thứ nhất, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Quyết liệt, kiên trì trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy có trọng tâm, trọng điểm để tạo các chuyển biến có tính đột phá. Vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu là nhân tố quyết định thành công.

Thứ hai, các chủ trương, chính sách phải đảm bảo an dân, tạo niềm tin trong Nhân dân, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Thứ ba, giữ gìn đoàn kết, phát huy sự năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm về những kiến nghị của thành phố với Trung ương, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, mạnh dạn đề xuất, kiên trì đeo bám, kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Từng thời kỳ phải quan tâm xác định các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố và các nguồn lực nội địa và quốc tế cần khai thác mạnh mẽ. Phải coi liên kết vùng, hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược là yếu tố có ý nghĩa sống còn để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.

Thứ tư, thực sự quan tâm công tác xây dựng Đảng, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các đồng chí bí thư cấp ủy và thủ trưởng đơn vị thực sự là tấm gương để cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo. Đánh giá, quy hoạch, bố trí đúng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Thứ năm, cần tiếp tục hoàn thiện phương pháp và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của chính quyền cùng cấp và cụ thể hóa cơ chế Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước pháp luật về các quyết định của mình. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thông tin, truyền thông, hoạt động của các cơ quan báo chí. Phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Thứ sáu, nắm vững và có những chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các Nghị quyết của Trung ương phù hợp với thực tiễn thành phố. Xây dựng mối quan hệ gắn bó và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thành phố.

2. VỀ MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ THÀNH PHỐ NHIỆM KỲ 2020 - 2025, ĐẠI HỘI NHẤT TRÍ

2.1. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

2.1.1. Mục tiêu tổng quát

“Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”.

2.1.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025: Là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.

- Đến năm 2030: Là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

- Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

2.2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm là 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%.

2. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.

3. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500 USD/người.

4. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.

5. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.

6. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP.

7. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.

8. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.

9. Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.

10. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.

11. Đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân.

12. Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học.

13. Đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ (tuổi sinh đẻ) (hướng tới 2030: 1,6 con/phụ nữ).

14. Tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch.

15. Tiếp tục duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%.

16. Đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%).

17. Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2.

18. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người.

19. Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người (hướng tới 2030 không dưới 1m2/người).

20. Phấn đấu thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

21. Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

22. Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hằng năm, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng so với nhiệm kỳ trước.

23. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn; giảm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 0,5 %.

24. 100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

25. Kiểm tra, giám sát đối với 100% tổ chức đảng, đảng viên về việc thực hiện các thông báo, kết luận sau kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.

26. 100% các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy có chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tương đương với cải cách hành chính và chính quyền số ở Thành phố Hồ Chí Minh.

2.3. Nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố

(1) Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động: Nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; phát huy vai trò Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh. Tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics, triển khai Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Huy động nguồn lực, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế biển. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, theo chuẩn mực của kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế. Quan tâm phát triển các thành phần kinh tế và mô hình kinh doanh mới. Huy động có hiệu quả các nguồn lực về lao động, đất đai, tài chính, khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển thành phố, phấn đấu xây dựng thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của Đông Nam Á vào năm 2030.

(2) Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống; đầu tư phát triển các bệnh viện trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; chủ động kiểm soát và ứng phó kịp thời với các dịch bệnh. Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) và sau 5G trong quản lý đô thị; thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân; đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu, mang tầm vóc khu vực. Chăm lo, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, hỗ trợ người nghèo, đảm bảo giảm nghèo toàn diện, bền vững, bảo vệ người lao động.

(3) Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ: Đẩy mạnh thiết kế đô thị toàn diện, đồng bộ khu trung tâm thành phố, khu đô thị mới và các khu đô thị hiện hữu; hoàn thành quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tiếp tục phát triển xây dựng theo hướng đô thị xanh, văn minh, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, đẩy nhanh phát triển hạ tầng xã hội, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả công tác giảm ngập nước, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả dự án giảm ngập do triều sau khi hoàn thành. Thực hiện các chương trình đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh đô thị, năng lượng xanh, giao thông xanh, tiến đến xây dựng hoàn thiện hạ tầng xanh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cung cấp nước sạch cho người dân, đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất - kinh doanh. Xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai. Triển khai đảm bảo tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số.

(4) Đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội: Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế; xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, có thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; xử lý có hiệu quả các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các lễ hội, sự kiện chính trị quan trọng. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự; đấu tranh phòng, chống, kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Xây dựng lực lượng quân sự, công an vững mạnh, trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

(5) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế: Xác lập quan hệ hợp tác quốc tế có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực mà thành phố có nhu cầu; phát huy vai trò đối ngoại nhân dân và nguồn kiều hối cho sự phát triển của thành phố.

(6) Đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội giai đoạn 2017 - 2022, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố giai đoạn sau năm 2022. Xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng thành phố phía Đông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế, đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự thống nhất, đồng lòng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

(7) Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân

Xây dựng Đảng bộ thực sự vững mạnh, trong sạch. Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ ngang tầm với nhiệm vụ và đòi hỏi của Đảng và Nhân dân thành phố.

(7.1) Nắm chắc và dự báo đúng tình hình tư tưởng, nghiên cứu dư luận và tâm trạng xã hội; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của Nhân dân, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh. Kiên quyết, kiên trì thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

(7.2) Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Tăng cường sự phối hợp giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của Nhân dân.

(7.3) Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp theo hướng nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện về phát triển ở các địa phương, tính hiệu quả và khả thi trong ban hành nghị quyết; tăng cường phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định cho cấp ủy, tổ chức đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đi cơ sở, thực hiện tốt quy chế chất vấn trong Đảng.

(7.4) Xây dựng đề án để chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2020 - 2030. Lãnh đạo thực hiện Đề án Chính quyền đô thị sau khi được Quốc hội thông qua. Lãnh đạo bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển công khai, minh bạch. Chú trọng và tăng hơn nữa tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là nữ, cán bộ trẻ tuổi, cán bộ xuất thân từ công nhân.

(7.5) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa cấp ủy đảng với Nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(8) Bốn chương trình phát triển Thành phố Hồ Chí Minh 2020 - 2025/2030

(8.1) Chương trình đột phá đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm 14 Đề án thành phần.

(8.2) Chương trình đột phá phát triển hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm 13 Đề án, Chương trình thành phần.

(8.3) Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm 11 Đề án, Chương trình thành phần.

(8.4) Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm 13 Đề án, Chương trình thành phần.

II. Thông qua Báo cáo kiểm điểm về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từ kinh nghiệm của khóa trước, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy khóa XI cần tiếp tục phát huy ưu điểm, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

III. Thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố đóng góp dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Thành ủy khóa XI tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

IV. Thông qua kết quả bầu cử Thành ủy khóa XI gồm 61 đồng chí và bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ thành phố đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 38 đại biểu chính thức và 4 đại biểu dự khuyết. Thành ủy khóa XI hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban Đảng Trung ương có liên quan để quyết định chuẩn y theo quy định.

V. Giao Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoàn chỉnh và ban hành chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các kế hoạch công tác để nhanh chóng triển khai, tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra, “vì cả nước”, “cùng cả nước”, vì hạnh phúc của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tự hào và xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ XI

Bình luận