Điều đó có nghĩa rằng không nên sạc pin quá mức 80%, hoặc để pin tụt dưới mức 20% dung lượng.
Khi sạc xe điện, dù sạc bằng ổ điện dân dụng hoặc trụ sạc nhanh, công suất sạc sẽ giảm đáng kể khi pin đầy khoảng 80%. Trên mức dung lượng pin này, việc sạc sẽ chuyển sang trạng thái sạc chậm (trickle charge) nhằm tránh tình trạng pin bị quá nhiệt, và gây ảnh hưởng đến tuổi thọ pin.
Vì thế, thời gian sạc từ 20% lên 80% có thể nhanh hơn so với 80% lên 100%, vấn đề này có thể gây ảnh hưởng đến lộ trình, kế hoạch chuyến đi nếu chủ xe sử dụng trạm sạc công cộng để sạc đầy pin cho xe.
Ngược lại, nếu để pin xuống dưới mức 20% dung lượng có thể làm giảm độ bền các cell pin bên trong, gây ảnh hưởng đến khả năng tích trữ điện nếu tình trạng này kéo dài, và xảy ra liên tục.
Đó là lý do đa số các xe điện hiện nay đều khuyến cáo luôn giữ xe ở mức sạc 20%-80% nếu sử dụng xe cho mục đích hàng ngày, chạy trong thành phố hoặc đi các chuyến ngắn.
Chỉ nên sạc đầy pin lên mức 100% khi thực sự cần thiết, ví dụ như các chuyến đi dài, ít trạm sạc bên đường. Khi sạc đầy lên mức 100%, chủ xe nên sử dụng xe ngay, không để xe trong tình trạng pin đầy mà không chạy quá lâu. Nếu không sử dụng xe trong thời gian dài, nên để pin ở mức 80% hoặc thấp hơn.
Ngoài ra, trên một số xe điện, khi pin đầy 100% hệ thống phanh tái tạo có thể không hoạt động, hoặc hoạt động một cách hạn chế.
Tài liệu hướng dẫn sử dụng của mẫu Tesla Model 3 ghi rõ hệ thống phanh tái tạo sẽ bị hạn chế tùy vào tình trạng của pin, khi pin đang "lạnh" (chưa đạt đủ nhiệt độ hoạt động tối ưu) hoặc khi pin đầy, do đó tài xế cần chú ý về điều này, nhằm chủ động phanh xe nếu cần thiết.
Ở trên các mẫu xe điện khác cũng có khuyến cáo tương tự.
Tuy nhiên, với một số mẫu xe điện khác, như trên các xe sử dụng pin công nghệ LFP - đây là loại pin có thể sạc đầy 100% mà không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như công suất. Việc sạc và bảo quản pin được ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng của từng mẫu xe.