Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Bệnh vảy nến có lây không và có chữa được không?

(VOH) - Bệnh vảy nến có thể khởi phát ở giai đoạn sớm từ 16 – 22 tuổi hoặc muộn từ 50 – 60 tuổi. Bệnh có thể kéo dài hoặc bộc phát với những đợt riêng lẻ.

1. Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng những hậu quả nó gây ra là vô cùng đáng sợ. Vảy nến là một căn bệnh tự miễn mạn tính gây ra sự tích tụ các tế bào da, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Bệnh vảy nến có thể ảnh hưởng đến bất kì phần nào của cơ thể, thường gặp nhất là ở phía sau khuỷu tay, đầu gối cũng như da đầu, lưng, mặt, lòng bàn tay, bàn chân và thậm chí lan ra toàn thân khi bệnh bị nặng.

benh-vay-nen-co-lay-khong-va-co-chua-duoc-khong-voh-1

Bệnh vảy nến khiến da mất đi vẻ thẩm mỹ (Nguồn: Internet)

2. Triệu chứng bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính, tái phát nhiều lần trong đời. Bệnh gây ra các triệu chứng chủ yếu trên da, tuy nhiên, không ít trường hợp, vảy nến còn ảnh hưởng đến móng và khớp.

Triệu chứng bệnh vảy nến bao gồm:

  • Da đỏ, sưng lên và bị viêm, đường kính tổn thương có thể rộng 20cm.
  • Trên tổn thương da xuất hiện các loại vảy trắng hoặc bạc.
  • Da khô, có thể nứt và chảy máu.
  • Cảm giác ngứa và rát xung quanh các mảng.

Vảy nến da đầu, mặt, cùi chỏ, bàn tay, đầu gối, bàn chân, ngực, phần lưng dưới và những nếp gấp giữa bụng là những nơi chúng ta thường thấy bệnh xuất hiện. Bệnh vảy nến móng tay, móng chân cũng có thể xảy ra. Khoảng 25% người bệnh có triệu chứng viêm khớp nặng hơn khi bệnh vảy nến trở nên nghiêm trọng.

benh-vay-nen-co-lay-khong-va-co-chua-duoc-khong-voh-2

Bệnh vảy nến da đầu (Nguồn: Internet)

3. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến được biết đến từ thời thượng cổ nhưng đến nay nguyên nhân và sinh bệnh học của bệnh vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh vảy nến có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu cố hoặc mẹ mắc bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố và mẹ đều bệnh).

Các giải thuyết khác cho rằng, vảy nến có liên quan đến gene và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người bệnh, từ đó dẫn đến các tế bào da tăng sinh rất nhanh và bất thường. Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng góp phần khởi phát, thúc đẩy cũng như làm bệnh vảy nến nặng thêm.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

3.1 Chấn thương

Các tổn thương trên da như vết cắt, trầy, vết cắn của côn trùng hoặc bị cháy nắng.

3.2 Stress

Buồn phiền, lo lắng, giận dữ dễ làm bùng phát và khiến bệnh vảy nến nặng thêm.

3.3 Thời tiết

Thời tiết lạnh và khô dễ gây bùng phát bệnh vảy nến. Thời tiết nắng, nóng và ẩm thường làm giảm nhẹ bệnh. Tuy nhiên, một số người thường bùng phát bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với nắng.

3.4 Nội tiết tố

Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là phụ nữ (dậy thì và mãn kinh).

3.5 Dùng thuốc

Uống một số loại thuốc như lithium, một số loại thuốc chống sốt rét, thuốc chống viêm bao gồm ibuprofen, thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn beta.

3.6 Nhiễm trùng

Nhiễm trùng đường hô hấp trên do liên cầu trùng như viêm họng, viêm amidan có thể gây khởi phát vảy nến giọt hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh vảy nến hiện mắc. Nhiễm HIV cũng làm nặng thêm bệnh vảy nến.

3.7 Rượu và thuốc lá

Uống nhiều rượu và nghiện thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến.

4. Bệnh vảy nến có lây không?

Hầu hết mọi người thường cho rằng vảy nến có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vảy nến không lây nhiễm và không gây ung thư. Bởi vì vảy nến là bệnh ngoài da không phải do virus, vi khuẩn nên không lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc.

Do đó, bạn hoàn toàn có thể nắm tay, ôm, dùng chung đồ đạc với người bị vảy nến mà không cần lo lắng gì.

5. Bệnh vảy nến có gây biến chứng gì không?

Vảy nến là một bệnh không ổn định, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng người bệnh có thể bị các biến chứng sau: đỏ da toàn thân, vảy nến mủ, viêm khớp, nhiễm trùng da…

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy vảy nến là yếu tố nguy cơ đối với hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch (nghĩa là dễ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch hơn) nhất là đối với những người vảy nến nặng.

6. Bệnh vảy nến có chữa được không?

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Mục tiêu của điều trị chủ yếu là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định của bệnh, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng.

benh-vay-nen-co-lay-khong-va-co-chua-duoc-khong-voh-3

Vảy nến nhẹ và vừa có thể dùng thuốc bôi để giảm triệu chứng (Nguồn: Internet)

Cách trị bệnh vảy nến thể nhẹ và vừa là dùng kem thoa chuyên dùng, kem dưỡng da, xà phòng và dầu chứa nhựa than đá. Những thứ này sẽ giúp giảm viêm (mẫn đỏ), đóng vảy và ngứa. Thuốc chứa steroid và những thuốc chống viêm khác dành cho da (dùng tại chỗ) để điều trị những trường hợp từ nhẹ đến vừa và kết hợp với các phương pháp khác để điều trị những trường hợp nặng.

Những phương pháp khác bác sĩ có thể áp dụng điều trị bệnh vảy nến bao gồm axit salicylic (tẩy lớp mài), PUVA (psoralen và chiếu tia cực tím A), thuốc ức chế miễn dịch (như methotrexate, isotretinoin), thuốc chống dị ứng (trị ngứa) và kháng sinh (để tránh nhiễm khuẩn khác).

Bên cạnh đó, người bệnh vảy nến nên làm những việc sau đây:

  • Giữ vệ sinh da tốt, tránh làm tổn thương da và làm khô da.
  • Tránh lo lắng, giận dữ, xúc động mạnh.
  • Không hút thuốc và uống rượu bia.
  • Tắm nắng mỗi ngày khoảng 15 - 30 phút (trừ trường hợp vảy nến nhạy cảm ánh sáng).
  • Sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
  • Thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc mình đang sử dụng, kể cả thuốc không kê toa.
  • Tái khám đúng hẹn.