Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cảm lạnh: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

(VOH) - Cảm lạnh là một trong các bệnh mà chúng ta rất hay mắc phải dù ở lứa tuổi nào. Làm sao để không nhầm lẫn cảm lạnh với những loại cảm khác để tiến hành điều trị phù hợp?

Bị cảm lạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động, công việc hàng ngày của bạn, chính vì vậy cần tìm hiểu chính xác về cảm lạnh để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như thực hiện lịch trình sinh hoạt hợp lý.

1. Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là bệnh đường hô hấp khi cơ thể bị nhiễm lạnh, thường xuất hiện vào mùa đông, thời điểm giao mùa hoặc thời tiết mưa nắng thất thường. 

Theo thống kê, khả năng trẻ nhỏ bị cảm lạnh là từ 4 – 8 lần trong năm, còn với người lớn sẽ là 2-4 lần một năm. 

voh.com.vn-cam-lanh-0

Cảm lạnh là tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh (Nguồn: Internet)

2. Triệu chứng của cảm lạnh

Các triệu chứng của cảm lạnh có thể xuất hiện sau 1-3 ngày khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Cần chú ý những biến đổi của cơ thể, nếu thấy xuất hiện những triệu chứng sau đây, có khả năng bạn đã bị cảm lạnh. 

  • Ho: Cổ họng bị nhiễm lạnh, bạn sẽ cảm thấy ngứa, rát họng, nuốt nước bọt cảm giác hơi đau nhức. 
  • Đau đầu: Khi bị cảm lạnh, xuất hiện tình trạng đau, nhức và cảm thấy nặng đầu. 
  • Sốt: Nhiệt độ cơ thể sẽ tăng nhẹ, đôi lúc sẽ thấy ớn lạnh, rùng mình. 
  • Sổ mũi: Hắt hơi và chảy nước mũi, dịch chảy ra sẽ có màu trắng hoặc vàng nhạt.
  • Đau cơ: Cơ thể bắt đầu thấy đau nhức nhẹ, cảm thấy mệt mỏi khi di chuyển, hoạt động.
  • Mất vị giác: Bị cảm lạnh sẽ khiến bạn chán ăn, đắng miệng, khó cảm nhận chính xác được mùi vị của thực phẩm.
  • Nhức mỏi mắt: Bạn sẽ nhận thấy mắt nóng hơn và hơi đỏ, chảy nhiều nước mắt.

3. Nguyên nhân gây cảm lạnh

Các virus thuộc chủng Rhinovirus, hoặc Enterovirus là nguyên nhân chính gây nên bệnh cảm lạnh. Virus này xâm nhập vào cơ thể thông qua các cơ quan hô hấp như mũi, miệng. 

Con đường virus đi có thể thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Thậm chí do tiếp xúc với các đồ vật chứa virus khi chạm vào hoặc dùng chung đồ với người bệnh.

3.1. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị cảm lạnh

Bạn có thể bị cảm lạnh do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, tuy nhiên nếu nằm trong các nhóm đối tượng dưới đây, nguy cơ bị cảm lạnh sẽ tăng cao hơn. 

  • Trẻ em: Trẻ ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng bị nhiễm cảm lạnh càng lớn. Các cơ quan hô hấp như xoang, họng, phế quản và tai của trẻ sẽ bị ảnh hưởng khi có virus cảm lạnh xâm nhập vào cơ thể. 
  • Hệ thống miễn dịch kém: Nếu đang mắc phải các căn bệnh mãn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu bạn nên đề phòng và bảo vệ cơ thể thật cẩn thận vì sẽ có khả năng cao bị cảm lạnh.
  • Nhạy cảm thời tiết: Thời tiết giao mùa, đặc biệt là giai đoạn mùa thu và mùa đông khiến cho trẻ em cũng như người lớn tuổi dễ bị nhiễm cảm lạnh nhất.
  • Có thói quen hút thuốc: Hút thuốc vốn là một thói quen không tốt, nếu thường xuyên hút hay tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ khiến tế bào phổi bị tổn thương, làm tăng nguy cơ mắc cảm lạnh. 

4. Điều trị cảm lạnh

Phụ thuộc vào tình trạng và mức độ của cảm lạnh, bạn có thể áp dụng những phương pháp điều trị cảm lạnh khác nhau. 

4.1. Điều trị cảm lạnh tại nhà

Hầu hết các trường hợp bị cảm lạnh đều có thể điều trị tại nhà với các "bí kíp" đơn giản nhưng đem lại tác dụng lớn. 

Hạn chế tiếp xúc không khí lạnh

  • Nếu đang bị cảm lạnh, hãy cố gắng hạn chế ra ngoài đường. Trong tình huống bắt buộc, nhớ đeo khẩu trang và mặc đồ đủ ấm trước khi đi.
  • Tuyệt đối không tắm nước lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột. 
  • Thoa tinh dầu bạc hà hoặc tràm vào vùng dưới mũi sẽ giúp thông mũi và làm giảm bớt cơn đau ở mũi.

Vệ sinh cơ quan hô hấp

  • Làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý, lưu ý đặt một ngón tay lên cánh mũi, ấn nhẹ để bịt kín lỗ mũi và thở mạnh ra bằng lỗ mũi còn lại để hỉ mũi, tránh xì mũi quá mạnh làm tổn thương các niêm mạc mũi.
  • Mỗi ngày, nhớ súc miệng nước muối ấm pha loãng để làm dịu cơn đau rát họng, giảm viêm họng. 

Xem thêm: ‘Nằm lòng’ những biện pháp này để chủ động phòng bệnh đường hô hấp khi nắng – mưa thất thường

Bổ sung thực phẩm trị cảm lạnh

  • Nước: Tăng cường bổ sung nước cho cơ thể, đặc biệt là nước ấm nóng, có thể hòa chút mật ong, để giữ cơ thể luôn ấm.
  • Tỏi: Tỏi là kháng sinh tự nhiên, chứa hợp chất allicin giúp trị cảm lạnh rất hiệu quả.
  • Gừng: Vì gừng có tính ấm nên bạn có thể ngậm 1 lát mỏng trong miệng, uống một tách trà gừng hay nấu canh cải gừng với cá sẽ kích thích lưu thông khí huyết và làm giảm tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp.
  • Cháo tía tô: Cháo tía tô sẽ giúp bạn nhanh ra mồ hôi, giải cảm, bớt ho và tức ngực.
  • Cam: Nước cam chứa rất nhiều vitamin C, nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại cái virus gây bệnh.
voh.com.vn-cam-lanh-1
Nước cam cung cấp vitamin C trị cảm lạnh hiệu quả (Nguồn: Internet)

Nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc

  • Làm việc căng thẳng và lo lắng có thể làm tăng hàm lượng cortisol - hormone gây ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch. Chính vì thế hãy điều chỉnh lịch làm việc để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, đầu óc được thư giãn, sẽ mau khỏi cảm lạnh.

4.2. Điều trị cảm lạnh tại các cơ sở y tế

Nếu việc điều trị tại nhà không giúp bệnh thuyên giảm, kéo dài hoặc trở nặng hơn, sốt cao liên tục trong 3 ngày trên 38 độ C, cần đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế. 

  • Các bác sĩ sẽ tập trung giảm nhẹ các triệu chứng của cảm lạnh.
  • Nếu nghi ngờ nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc tình trạng bệnh khác, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang hoặc các xét nghiệm khác để đánh giá bệnh tình. 

5. Biến chứng của cảm lạnh

Tưởng chừng là bệnh “xoàng”, sớm khỏi nhưng nếu không chữa trị dứt điểm, cảm lạnh sẽ biến chứng thành những bệnh mãn tính.

voh.com.vn-cam-lanh-2
Cảm lạnh có thể biến chứng thành viêm xoang (Nguồn: Internet)
  • Viêm xoang: Triệu chứng của cảm lạnh với viêm xoang khá giống nhau. Nhưng nếu bị cảm lạnh và có dấu hiệu xấu đi sau 3 đến 5 ngày, hoặc kéo dài hơn 10 ngày thì có thể bạn đã bị viêm xoang. Đây là tình trạng sưng viêm và tắc nghẽn ở các ổ xoang.
  • Viêm tai: Virus cảm lạnh có thể làm tổn thương không gian phía sau màng nhĩ, dẫn đến đau nhức tai, dịch mũi tiết ra có màu xanh hoặc vàng, gây sốt trở lại.
  • Hen suyễn: Việc để nhiễm lạnh quá lâu sẽ khiến đường dẫn khí bị thu hẹp cùng với việc cơ thể tiết ra chất nhầy khiến bạn khó thở, gây nên các cơn hen suyễn.
  • Viêm phế quản: Một trong những biến chứng cảm lạnh dễ xảy ra nhất là viêm phế quản, đây là tình trạng cảm lạnh vùng ngực, ho thường xuyên và thở khò khè. 

Xem thêm: Phác đồ "chuẩn" điều trị bệnh viêm phế quản cấp tính - mạn tính

6. Phòng ngừa cảm lạnh

Để không phải trải qua cảm giác khó chịu, mệt mỏi khi bị cảm lạnh, hãy tham khảo một số lời khuyên dưới đây nhằm phòng ngừa bệnh hiệu quả:

  • Không tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh: Virus có thể lây lan trong không khí nên có thể có ở trên các bề mặt vật dụng xung quanh người nhiễm bệnh dưới dạng giọt nước nhầy nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: Lưu ý rửa tay thường xuyên để tiêu diệt các loại vi khuẩn hoặc virus bám trên tay. Khi ho nên để miệng vào phần bắp tay để tránh lây lan vi khuẩn. 
  • Không hút thuốc lá: Khói thuốc lá gây ra sự kích ứng trong đường thở khiến cho con người dễ bị virus rhino tấn công. Hút thuốc lá cũng có thể gây ra nhiễm trùng họng.
  • Vận động thường xuyên: Lười vận động là tình trạng hầu như rất nhiều người mắc phải vào mùa đông. Tuy nhiên, để ngăn ngừa cảm lạnh, hãy duy trì các hoạt động thể chất đều đặn, hợp lý để làm gia tăng lượng tế bào của hệ miễn dịch, giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn và virus có hại với cơ thể. 

Chúng ta không nên chủ quan vì cảm lạnh là bệnh phổ biến và dễ mắc phải. Hãy nhớ quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt để có thể bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh.

Bình luận