Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Chấn thương sọ não và những điều cần làm để cứu sống nạn nhân

(VOH) - Có nhiều điều cần phải nắm rõ khi bị chấn thương sọ não. Những kiến thức dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về chấn thương sọ não để biết cách chăm sóc người thân khi chẳng may bị tình trạng này.

1. Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu tạo khác bên trong hộp sọ. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, đặc biệt, chấn thương sọ não ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng.

chan-thuong-so-nao-va-nhung-dieu-can-lam-de-cuu-song-nan-nhan-voh

Chấn thương sọ não là nguyên nhân gây tử vong cao (Nguồn: Internet)

Chấn thương sọ não là tai nạn phổ biến ở nhiều quốc gia, thường xảy ra ở những nước công nghiệp, đặc biệt là những nước đang phát triển.

2. Nguyên nhân chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não có thể xảy ra do đầu bị đập mạnh đột ngột hoặc khi có vật gì đó đâm vào trong não. Nguyên nhân thường gặp nhất là do chấn thương đầu, tai nạn giao thông, té ngã, bị hành hung hoặc do luyện tập thể dục thể thao không đúng cách.

Những chấn thương sâu bên trong có thể do súng đạn hoặc các vật dụng khác như dao hoặc những mẩu xương trong đầu.

Những đối tượng có nguy cơ chấn thương sọ não cao gồm:

  • Lái xe thường xuyên với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép,... bị tai nạn giao thông.
  • Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh đến 4 tuổi.
  • Thanh niên từ 15 đến 24 tuổi.
  • Người lớn từ 60 tuổi trở lên.

3. Triệu chứng chấn thương sọ não là gì?

Triệu chứng của chấn thương sọ não khá nhiều, tùy thuộc vào mức độ chấn thương đầu nặng hay nhẹ.

3.1 Triệu chứng chấn thương sọ não nhẹ

  • Mất ý thức trong vài giây đến vài phút.
  • Không mất ý thức nhưng choáng váng, bối rối hoặc mất phương hướng.
  • Đau đầu.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Mệt mỏi hoặc buồn ngủ.
  • Khó khăn về lời nói.
  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
  • Mờ mắt, ù tai, cảm thấy mùi vị khó chịu trong miệng hoặc thay đổi khả năng ngửi.
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
  • Thay đổi tâm trạng.
  • Cảm thấy chán nản, lo lắng.

3.2 Triệu chứng chấn thương sọ não trung bình và nặng

  • Mất ý thức từ vài phút đến vài giờ.
  • Nhức đầu dai dẳng.
  • Nhiều lần bị nôn hoặc buồn nôn.
  • Co giật.
  • Chất lỏng trong suốt chảy ra từ mũi hoặc tai.
  • Không tự thức dậy khi ngủ.
  • Yếu hoặc tê ở ngón tay và ngón chân.
  • Mất khả năng phối hợp tay chân.
  • Kích động.
  • Nói lắp.
  • Hôn mê và các rối loạn ý thức khác.

3.3 Triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ em

chan-thuong-so-nao-va-nhung-dieu-can-lam-de-cuu-song-nan-nhan-voh

Trẻ nhỏ thích leo trèo nên dễ té ngã làm chấn thương sọ não (Nguồn: Internet)

  • Ngay sau khi ngã, trẻ bất tỉnh hơn 1 phút.
  • Ngay sau khi ngã, trẻ vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại xuất hiện những dấu hiệu tri giác bất thường như kích động khó dỗ, ngủ nhiều, lơ mơ,…
  • Sau chấn thương, trẻ nôn trên 5 lần trong một thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ.
  • Thóp của trẻ sau một thời gian chấn thương bị phồng, căng lên, kèm theo vẻ mặt xanh xao.
  • Trẻ bị chảy máu vùng chấn thương.

Trong trường hợp trẻ bị chấn thương vùng đầu và có những dấu hiệu trên thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chữa trị kịp thời.

4. Những điều cần làm khi bị chấn thương sọ não

Khi phát hiện người bị tai nạn có dấu hiệu chấn thương sọ não cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa gần nhất, vào khoa chấn thương, khoa ngoại thần kinh hoặc phòng hồi sức cấp cứu để được thăm khám và chẩn đoán sơ bộ. Từ đây, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác và hướng dẫn các công việc cần làm tiếp theo.

Lưu ý, khi vận chuyển nạn nhân, cần cho nạn nhân nằm ngửa, đầu nghiêng về một bên và không kê gối cao. Nhớ nằm trên ván cứng để tránh các trường hợp tổn thương cột sống kèm theo.

chan-thuong-so-nao-va-nhung-dieu-can-lam-de-cuu-song-nan-nhan-voh

Nên băng bó vết thương cho bệnh nhân trước khi đưa đi cấp cứu (Nguồn: Internet)

Tất cả các vết thương chảy máu ngoài da cần được băng bó, cầm máu cẩn thận, không tiến hành chuyển bệnh nhân đi mà chưa kịp làm tốt khâu này. Bạn có thể bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân tốt nhất chỉ bằng một vài phút băng bó.

Trong 24 giờ đầu khi bị chấn thương, nên đánh thức bệnh nhân mỗi 2 giờ để kiểm tra các dấu hiệu của chấn thương thứ cấp. Nâng cao đầu và dùng thuốc an thần có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Trong mọi trường hợp, không để người bệnh đi bộ, ngồi dậy hoặc chạy nhảy khắp nơi. Vì như vậy, có thể làm bong các nút máu đông tạm thời.

Trường hợp bệnh nhân bị máu tụ gây chèn ép não với các biểu hiện như giãn đồng tử, liệt,…cần tiến hành phẫu thuật ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

5. Lời khuyên giúp phòng ngừa chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là tình trạng nguy hiểm có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, thâm chí có thể cướp đi mạng sống. Vì vậy, hãy phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách áp dụng những cách phòng ngừa chấn thương sọ não sau đây:

  • Tránh để đồ vật bừa bãi trên sàn nhà, cầu thang.
  • Đặt thảm chùi chân không trơn trượt trước nhà tắm.
  • Lắp các thanh vịn nếu trong nhà có người lớn tuổi và trẻ em.
  • Trong nhà nên có đủ ánh sáng.
  • Luôn thắt dây an toàn mỗi khi đi xe hơi, xe giường nằm.
  • Không bao giờ lái xe khi uống rượu hoặc ngồi trên xe của tài xế say rượu.
  • Tuân thủ mọi tín hiệu giao thông và quan sát xe khi tham gia giao thông.
  • Đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện, kể cả trẻ nhỏ.

Trên đây là những kiến thức về tình trạng chấn thương sọ não, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết và có thể áp dụng để có thể cứu người khi cần thiết.