Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Đau mắt hột và những kiến thức cần biết

(VOH) - Đau mắt hột là bệnh nhiễm trùng thường gặp, dễ lây truyền từ người này sang người khác. Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây những biến chứng làm tổn thương giác mạc, thậm chí là mù lòa.

1. Bệnh đau mắt hột là gì?

Đau mắt hột là tình trạng viêm kết mạc – giác mạc mạn tính do Chlamydia Trachomatis gây ra. Bệnh tiến triển có khi thành dịch lây lan, với đặc điểm là hình thành những hột và những tổn thương sẹo điển hình ở mắt, làm cho người bệnh cảm thấy bị cộm mắt như có hạt bụi trong mắt.

Đau mắt hột là bệnh thường gặp, nhất là ở những vùng thiếu nước sạch, vệ sinh mắt kém.

2. Dấu hiệu đau mắt hột

dau-mat-hot-va-nhung-kien-thuc-can-biet-voh-1

Triệu chứng của đau mắt hột ban đầu thường là ngứa và mỏi mắt (Nguồn: Internet)

Trong khoảng 5 – 12 ngày sau khi xâm nhập vào mắt, vi khuẩn sẽ gây ra những triệu chứng sau:

  • Ngứa mắt nhẹ và cảm giác vướng như có hạt bụi trong mắt.
  • Chảy nước mắt, mắt có chất nhầy hoặc mủ.

Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng đau mắt hột có thể là:

  • Mờ mắt.
  • Đau mắt.
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng.

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị đau mắt hột nhưng bệnh thường tiến triển từ từ và các triệu chứng chỉ xuất hiện ở giai đoạn trưởng thành.

3. Các giai đoạn của bệnh đau mắt hột

Tổ chức Y tế Thế giới xác định, bệnh đau mắt hột có 5 giai đoạn phát triển, gồm:

3.1 Viêm nang

Tình trạng nhiễm trùng chỉ mới bắt đầu ở giai đoạn này. Theo thời gian những mụn nhỏ có chứa tế bào Lympho và có thể nhìn thấy ở phần mặt trong mí mắt trên thông qua kính phóng đại.

3.2 Viêm cường độ cao

Đây là giai đoạn dễ lây lan, thường đi kèm những cảm giác khó chịu, phần mí mắt trên sẽ bị sưng và dày hơn.

3.3 Xuất hiện sẹo hóa mí mắt

Tình trạng nhiễm trùng nếu lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến tình trạng sẹo hóa mí mắt trong. Những vết sẹo thường sẽ xuất hiện dưới dạng những vạch trắng khi kiểm tra dưới kính phóng đại. Kết quả mí mắt sẽ bị biến dạng và bị lộn vào trong.

3.4 Lông mi mọc ngược

Lớp lót bên trong sẹo của mí mắt sẽ dần bị biến dạng, làm cho lông mi mọc vào trong, chà xát và trầy xước bề mặt bên ngoài trong suốt của mắt.

3.5 Phần giác mạc khi đó cũng sẽ bị ảnh hưởng

Tình trạng viêm liên tục kèm theo trầy xước bởi lông mi lộn vào trong nên giác mạc dần bị mờ.

4. Nguyên nhân đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột gây ra bởi một số chủng Chlamydia trachomatis, một loại vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm chlamydia, lây truyền qua đường tình dục.

Bệnh đau mắt hột lan truyền qua tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh. Dùng chung khăn tay, bồn tắm, bàn chải đánh răng, thuốc nhỏ mắt với người bệnh cũng dễ bị lây bệnh.

Ngoài ra, bệnh có thể lây qua vật trung gian là ruồi khi chúng tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh rồi đậu lên mắt người khỏe mạnh.

5. Đau mắt hột có nguy hiểm không?

Ở thể nhẹ hay đau mắt hột đơn thuần, tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp mô biểu mô kết mạc. Người bệnh có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ bị ngứa mắt, mỏi mắt, đôi khi chảy nước mắt.

Ở thể nặng, tổn thương thâm nhập xuống cả những lớp bên dưới của kết mạc mắt, có thể gây biến chứng như sẹo giác mạc, đặc biệt là lông quặm sẽ gây loạn dưỡng giác mạc và gây sẹo giác mạc, khiến thị lực suy giảm.

Bệnh đau mắt hột là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên toàn thế giới. Theo WHO ước tính có 6 triệu người bị ù do bệnh đau mắt hột. Hầu hết mù lòa gây ra bởi bệnh đau mắt hột xảy ra ở những vùng nghèo của châu Phi. Trong số trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ bị đau mắt hột có thể là 60% hoặc hơn.

Chính vì thế, khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh đau mắt hột thì bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện mắt để thăm khám kiểm tra, nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả hơn.

dau-mat-hot-va-nhung-kien-thuc-can-biet-voh-2

Đau mắt hột nếu không điều trị đúng cách và kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

6. Đau mắt hột dùng thuốc gì?

Để điều trị đau mắt hột hiệu quả, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị. Theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi bệnh ở giai đoạn đầu cần tra thuốc mỡ tetracyclin 1%. Người bệnh dùng thuốc tra mắt vào ban đêm trong 5 – 10 ngày liền mỗi tháng, liệu trình kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.

Ngoài ra, người bệnh đau mắt hột có thể uống thêm các loại thuốc sau: tetracyclin, erythromycin, doxycyclin... trong 3 - 4 tuần.

Việc dùng thuốc nhỏ mắt (đối với thuốc nước) hay tra mắt (đối với thuốc mỡ) phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp mắt hột có biến chứng: lông quặm, sẹo giác mạc toàn bộ...cần phải điều trị bằng phẫu thuật.

7. Làm sao để phòng tránh bệnh đau mắt hột?

Mắt hột là bệnh dễ mắc và dễ lây nhiễm. Do đó, bất cứ ai cũng cần phải nắm được những cách phòng tránh cơ bản sau đây:

  • Không dùng chung khăn mặt, bồn tắm, thuốc nhỏ mắt,…
  • Rửa mặt bằng nước sạch và dùng khăn sạch để lau khô.
  • Không dụi tay bẩn lên mắt, luôn giữ cho tay sạch, rửa tay ngay sau khi đi cầu.
  • Không tắm ao hồ, tránh để nước bẩn bắn vào mắt.
  • Đi đường gió bụi nên đeo kính bảo vệ mắt, về nhà nên rửa mặt sạch sẽ.
  • Tiêu diệt ruồi nhặng xuất hiện trong nhà.

Lời khuyên: Khi có những triệu chứng khó chịu ở mắt cần đến bác sĩ để được khám bệnh và chỉ định điều trị dùng thuốc cho đúng. Kiên trì điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra, khi bị bệnh ở mắt không nên đắp hoặc nhỏ bất kỳ thứ gì vào mắt nếu như chưa có chỉ định của bác sĩ.