Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đau sỏi thận thường xảy ra ở vị trí nào? Đau sỏi thận phải làm sao?

( VOH ) - Đau sỏi thận thường bị nhầm lẫn với những cơn đau khác. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết vị trí đau sỏi thận để giảm đau đúng cách.

Cơn đau quặn thận là triệu chứng phổ biến của bệnh sỏi thận. Tùy vào vị trí viên sỏi mà người bệnh sẽ đau ở những khu vực khác nhau.

1. Sỏi thận đau ở đâu?

Biểu hiện của những cơn đau sỏi thận đặc trưng nhất đó là đau dữ dội, đau quặn thận. Người bệnh có cảm giác bị co thắt từ bên trong, nằm ở tư thế nào cũng bị đau. Cơn đau thường kéo dài từ 20 – 60 phút, thậm chí là trong vài giờ. Cơn đau thường kèm theo tiểu ra máu, sốt hay ớn lạnh.

dau-soi-than-thuong-xay-ra-o-vi-tri-nao-dau-soi-than-phai-lam-sao-voh-1

Sỏi thận thường gây đau ở vị trí nào? (Nguồn: Internet)

Cơn đau sỏi thận thường xảy ra ở vùng sườn lưng, ở một bên hoặc cả 2 bên vùng hạ sườn. Sau đó lan dần từ vùng hố thắt lưng xuống phía dưới hay ra phía trước đến hố chậu, đùi, có thể lan sang cả phận sinh dục.

Một số trường hợp do sỏi nằm ở vị trí bể thận, sỏi to nên người bệnh có thể bị đau âm ỉ.

Thực tế, khi sỏi thận xuất hiện trong thận, đường tiết niệu sẽ bị kích thích dẫn đến tình trạng co thắt, bóp chặt, làm tắc đường tiết niệu. Đường dẫn nước tiểu bị tắc, nước tiểu không thể bài tiết ra ngoài, từ đó làm tăng áp lực lên vùng bể thận, dẫn đến những cơn đau quặn thận.

2. Cách làm giảm đau sỏi thận

Cách giảm đau sỏi thận chủ yếu là giải phóng đường tiết niệu đã bị tắc nghẽn. Người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm, giảm đau, chống co thắt, chống nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể. Với những người bị sỏi thận thì nên uống ít nhất 2.5 lít nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp loại bỏ những viên sỏi nhỏ, hạn chế tình trạng tắc nghẽn ở đường tiết niệu, từ đó giảm đau sỏi thận cho người bệnh.

Để giảm cơn đau sỏi thận, bác sĩ thường cho người bệnh dùng visceralgin tiêm tĩnh mạch hoặc các loại thuốc giảm đau chống viêm non-steroid. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của viên sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc sử dụng phù hợp.

Ngoài ra, để giảm đau sỏi thận, người bệnh nên nằm nghỉ, đắp khăn ướt hoặc nóng lên vùng thắt lưng.

Lưu ý: Nếu đã áp dụng những cách giảm đau sỏi thận như trên mà không khỏi thì người bệnh nên đi chụp X-quang để biết được tình trạng sỏi và can thiệp điều trị sớm để giải phóng sự bế tắc ở niệu quản.

3. Cách phòng tránh bệnh sỏi thận

Để tránh những cơn đau sỏi thận gây khó chịu, tốt nhất là bạn nên biết cách phòng tránh căn bệnh này. Bạn có thể phòng tránh sỏi thận bằng cách:

dau-soi-than-thuong-xay-ra-o-vi-tri-nao-dau-soi-than-phai-lam-sao-voh-2

Uống đủ lượng nước mỗi ngày để phòng tránh sỏi thận (Nguồn: Internet)

  • Ăn uống cân đối giữa các nhóm thức ăn, không nên thiên lệch một loại thực phẩm hay rau quả nào.
  • Uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày nhưng không uống nhiều nước cùng một lúc. Nếu làm việc trong môi trường nóng, lao động nặng ra nhiều mồ hôi thì cần uống nhiều nước hơn để bù lượng nước đã mất.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, không dùng nước bẩn để vệ sinh vùng kín.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều oxalat có trong củ cải đường, đậu bắp, rau bina, trà, socola và các sản phẩm đậu nành,…Vì oxalat canxi là một trong những nguyên nhân làm hình thành sỏi thận.
  • Vẫn ăn các thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa nhưng không nên ăn quá nhiều.

Lời khuyên: Trên thực tế, cơn đau thận thường dễ bị nhầm lẫn với viêm ruột thừa cấp tính, cơn đau quặn gan do sỏi đường mật hay cơn đau dạ dày tá tràng cấp tính. Do đó, khi có những cơn đau quặn ở vùng lưng thì bạn nên đi khám để kiểm tra và chẩn đoán chính xác.

Bình luận