Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?

(VOH) - Dịch tả lợn đã xuất hiện ở nhiều tỉnh của nước ta, điều này khiến không ít người lo lắng và băn khoăn không biết có nên loại bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn hay không?

1. Dịch tả lợn châu Phi là gì?

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) là một loại bệnh do virus gây bệnh xuất huyết rất dễ lây lan ở lợn nhà và lợn rừng. Virus gây bệnh dịch tả châu Phi là một loại virus DNA lớn thuộc họ Asfarviridae.

Hiện không có vacxin để ngăn ngừa căn bệnh này, tỷ lệ lợn tử vong nếu mắc bệnh có thể lên đến 100%. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có sự chú ý đặc biệt đến tình trạng này.

Virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi có khả năng sống sót khá lâu trong môi trường bình thường. Chúng trú ngụ trong dịch tiết, xác động vật, sản phẩm thịt đông lạnh và máu khô.

dich-ta-lon-chau-phi-co-lay-sang-nguoi-khong-voh-1

Dịch tả lợn do virus gây ra (Nguồn: Internet)

2. Bệnh dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?

Hiện nay, nhiều người dân rất lo lắng cho sức khỏe vì sợ ăn phải thịt lợn bị nhiễm virus dịch tả lợn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giống như bệnh dịch tả truyền thống, bệnh dịch tả heo châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng đến sức khỏe, lây bệnh sang con người.

Người chăn nuôi cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp khử trùng chăn nuôi bằng vôi bột, thuốc sát trùng. Người dân không nên hoang mang, tẩy chay sản phẩm thịt lợn vì đây là loại bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Mặc dù vậy, đại diện cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân không vì vậy mà chủ quan và vì lợi ích trước mắt mà tiến hành các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc, làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng đối với bất kỳ loại thịt tươi nào, bạn cũng cần tuân theo các hướng dẫn bảo quản và chế biến an toàn để bảo vệ sức khỏe của gia đình.

3. Nhận biết thịt đã nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bệnh dịch tả lợn tuy không nguy hại cho người nhưng bạn vẫn phải phòng ngừa các trường hợp xấu có thể xảy ra.

Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy thịt đã bị nhiễm virus giúp bạn dễ dàng nhận biết và tránh mua nhầm.

  • Tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh.
  • Khi chế biến, thịt có mùi hôi, nước nấu thịt có dạng đục ngầu.
  • Chạm vào thịt có hiện tượng chảy nhớt, kết cấu của thịt nhão, không đàn hồi, màu thịt kém tươi, phần mỡ không có màu trắng.
  • Các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai của lợn và trông giống như vết muỗi đốt.

Nếu muốn đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, bạn nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín, chẳng hạn như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch,…Ngoài ra, đừng vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại những địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi bán nhiều ruồi nhặng nhưng không có biện pháp che chắn.

dich-ta-lon-chau-phi-co-lay-sang-nguoi-khong-voh-2

Lựa chọn thịt sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, khi chế biến thịt heo để đảm bảo an toàn bạn cần lưu ý:

  • Hạn chế nấu thịt chín tái.
  • Rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu.
  • Không bỏ thịt vào nước đang đun sôi, bởi hành động này sẽ khiến các chất hóa học (nếu có trong thịt) dễ bị hấp thụ ngược lại vào bên trong thịt.
Bình luận