Tiêu điểm: Nhân Humanity

3 nguyên nhân chính gây nứt gót chân và cách điều trị tại nhà

(VOH) – Tình trạng nứt gót chân không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà nếu không được điều trị sớm nó có thể gây chảy máu, nứt sâu, đau đớn và cản trở việc đi lại của người bệnh.

1. Gót chân nứt nẻ là bệnh gì?

Nứt gót gân là một chứng bệnh ngoài da, được hiểu là phần da khô ở gót chân bị mất đi độ đàn hồi và tách ra khi trọng lực cơ thể dồn xuống chân. Căn bệnh thường gặp ở da khô và diễn tiến thường nặng hơn vào mùa đông do thời tiết hanh khô và da thiếu độ ẩm.

Biểu hiện thường thấy của căn bệnh nứt gót chân là gót chân bị bong tróc, nứt da, ngứa và chảy máu từ các vết nứt làm cho vi khuẩn, nấm hoặc siêu vi xâm nhập. Đặc biệt, khi vùng gót chân bị nứt nhiều, máu chảy sẽ tạo thành các khe rãnh sâu dễ bị nhiễm khuẩn, đau rát khó chịu, khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn.

2. Nguyên nhân khiến gót chân nứt nẻ

Nguyên nhân gây nứt gót chân rất đa dạng, nhưng thường xuất phát 3 nguyên nhân lớn điển hình đó là: Da khô, áp lực quá mức lên phần gót chân trong thời gian dài và nguyên nhân từ bệnh tật.

Da khô thường là do:

  • Sử dụng xà phòng có chất tẩy mạnh, nước tắm quá nóng, ngâm chân trong nước nóng quá lâu hoặc quá thường xuyên.
  • Dùng nhiệt độ cao sấy khô chân.

3-nguyen-nhan-chinh-gay-nut-got-chan-cach-dieu-tri-tai-nha-voh

Tình trạng gót chân nứt nẻ thường xuất phát từ 3 nguyên nhân: da khô, áp lực lên gót chân và bệnh lý (Nguồn: Internet)

Áp lực quá mức lên phần gót chân thường được phát sinh từ:

  • Đi bộ hoặc đứng quá lâu, đặc biệt trên sàn cứng.
  • Người béo phì hoặc mang thai làm tăng áp lực đối với lớp da bình thường dưới gót chân, làm nó “dạt” sang 2 bên. Khi đó, nếu da không có độ dẻo dai và linh hoạt, áp lực bên trong có thể gây ra các vết nứt.
  • Giày dép không có các miếng đệm hỗ trợ cho phần gót chân cũng dễ khiến gót chân bị nứt nẻ.

Một số bệnh lý gây nứt gót chân như:

  • Người mắc một số rối loạn hoặc các bệnh như suy giáp, bệnh vảy nến, eczema, viêm da dị ứng, đặc biệt là bệnh tiểu đường... có thể dẫn đến nứt gót chân.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như phụ nữ đi dép hở gót mỗi ngày hay không chăm sóc và duy trì vệ sinh bàn chân đúng cách cũng tạo điều kiện cho lớp da gót chân dày, chai, gặp thời tiết khô hanh sẽ dễ dẫn đến tình trạng gót chân khô nứt nẻ.

3. Gót chân bị nứt nẻ phải làm sao?

Tình trạng nứt gót chân thường gây mất thẩm mỹ cho đôi bàn chân, nếu gặp một số điều kiện thuận lợi như tiếp xúc nhiều với nước, thay đổi đời tiết đột ngột, trời lạnh, nó có thể gây chảy máu, nứt sâu, đau đớn, cản trở việc đi lại, lao động...

Để khắc phục tình trạng gót chân bị nứt nẻ, bạn có thể áp dụng bằng nhiều cách. Tuy nhiên, dưới đây là 3 cách điều trị nứt gót chân hiệu quả tại nhà đơn giản, dễ thực hiện nhất:

3.1 Vệ sinh chân và gót chân sạch sẽ

Khi gót chân khô nứt, việc đầu tiên cần làm hàng ngày để chấm dứt tình trạng này đó là vệ sinh chân và gót chân sạch sẽ sau mỗi ngày làm việc.

Có nhiều cách làm sạch chân và gót chân nhưng bạn tuyệt đối không nên sử dụng xà phòng hay nước tẩy rửa để làm sạch đôi chân vì nó sẽ làm gót chân bị nứt trở nên khô hơn và đau nhiều hơn.

Bạn có thể sử dụng nước muối pha loãng hoặc nước chè (trà) tươi loãng đun sôi để ấm là an toàn nhất để làm sạch bụi bẩn bám ở chân và gót chân của mình.

3.2 Bôi thuốc

Khi bàn chân đã được làm sạch, nếu vết nứt nhỏ, bạn có thể sử dụng các loại dầu thiên nhiên như dầu dừa, dầu oliu để thoa lên vùng da nứt nẻ sẽ giúp gót chân trở nên mềm mại hơn. Nếu vết nứt nghiêm trọng và gây đau bạn nên bôi thuốc đặc trị.

3-nguyen-nhan-chinh-gay-nut-got-chan-cach-dieu-tri-tai-nha-1-voh

Nếu vết nứt nghiêm trọng và gây đau thì nên dùng thuốc đặc trị (Nguồn: Internet)

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc giúp điều trị nứt gót chân, vì thế hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp với tình trạng vết nứt của mình.

3.3 Dùng dụng cụ bảo vệ đôi chân phù hợp

Sau khi đã tiến hành các biện pháp chữa trị gót chân nứt nẻ bạn hãy sắm cho mình dụng cụ bảo hộ lao động như đôi ủng hoặc những đôi giày, dép cao vừa phải, êm ái vừa chân để đi cho đôi chân của mình.

Cần chăm sóc kỹ đôi bàn chân và gót chân sau khi đã tiến hành các biện pháp trị nứt gót chân, bởi nếu bạn tiếp tục để gót chân bị bám bẩn thì tình trạng nứt nẻ sẽ càng nặng hơn.

4. Cách phòng ngừa nứt gót chân

Để không bị xuất hiện tình trạng nứt gót chân bạn cần phải chú ý đến việc chăm sóc đôi bàn chân của mình bằng cách.

  • Giữ bàn chân sạch sẽ và tẩy tế bào chết thường xuyên mỗi tuần.
  • Áp dụng chế độ dinh dưỡng có thực phẩm giàu vitamin A và C, thực phẩm giàu kẽm và omega-3.
  • Uống nhiều nước.
  • Massage gót chân với các loại dầu dưỡng da hoặc kem dưỡng ẩm khoảng 10 phút trước khi đi ngủ.
  • Không lạm dụng xà phòng và sấy khô chân, không chà chân quá kỹ.

Đối với những người đã tuân thủ chế độ chăm sóc da đúng cách nhưng da vẫn bị nứt nẻ, bong tróc từng mảng... thì hãy đến các bệnh viện có chuyên khoa da liễu để thăm khám, chẩn đoán bệnh lý và điều trị kịp thời.

Bình luận