Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tìm hiểu phác đồ điều trị sốt xuất huyết hiện nay

(VOH) - Dựa vào mức độ sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị sốt xuất huyết phù hợp. Bệnh có thể điều trị ngoại khoa hoặc nhập viện để theo dõi.

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ: sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Trong đó, chỉ có các trường hợp sốt xuất huyết Dengue mới có thể điều trị ngoại trú, những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo và nặng đều phải nhập viện để điều trị nội trú.

1. Phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue

Ở mức độ sốt xuất huyết Dengue, các triệu chứng thường dễ bị nhầm lần với các loại sốt khác. Chính vì vậy khi sốt cao, cần theo dõi thêm các triệu chứng đi kèm để phân biệt và chẩn đoán chính xác. 

1.1. Chẩn đoán

Lâm sàng: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 – 7 ngày, có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp.

Cận lâm sàng: Hematocrit bình thường (không có biểu hiện cô đặc máu) hoặc tăng. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm. Số lượng bạch cầu thường giảm.

2.2. Phác đồ điều trị

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế.

Điều trị triệu chứng: Nếu sốt cao trên 39 độ C, người bệnh uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng tùy thuộc vào tuổi tác và mức độ bệnh. Người bệnh tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết.

Bù dịch sớm bằng đường uống: Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc nước cháo loãng với muối.

tim-hieu-phac-do-dieu-tri-sot-xuat-huyet-hien-nay-voh-0
Sốt cao trên 39 độ có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết (Nguồn: Interntet) 

2. Phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Khi sốt xuất huyết Dengue đã chuyển sang giai đoạn có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng, tức là các cơ quan trong cơ thể đã bắt đầu xuất huyết, cần đến ngay cơ quan y tế để điều trị. 

2.1. Chẩn đoán

Lâm sàng: Các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì. Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to hơn 2cm, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít.

Xét nghiệm máu: Hematocrit tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh chóng. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, làm xét nghiệm hematocrit, kiểm tra chỉ số tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.

Xem thêm: Các loại xét nghiệm sốt xuất huyết cơ bản và bổ sung bạn cần phải biết

2.2. Phác đồ điều trị

Đây là tình trạng buộc người bệnh phải nhập viện để điều trị. Có thể được chỉ định truyền dịch nếu người bệnh không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, lừ đừ, hematocrit tăng cao. Dịch truyền bao gồm: Ringer lactat, NaCl 0,9%.

Lưu ý: Nếu người bệnh dưới 15 tuổi thì có thể xem xét ngưng truyền dịch khi hết nôn, ăn uống được. Nếu người bệnh là phụ nữ mang thai, người béo phì, người cao tuổi, người đang mắc bệnh đái tháo đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận,…thì cần nhập viện để theo dõi điều trị.

3. Phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng

Sốt xuất huyết Dengue chuyển nặng có thể dẫn đến những biến chứng rất khó kiểm soát, gây nên những bệnh lý nghiệm trọng nếu không được điều trị đúng hướng. 

3.1. Chẩn đoán

Sốt xuất huyết Dengue nặng là khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc, tràn dịch màng phổi và ổ bụng nhiều, xuất huyết nặng, suy tạng.

3.2. Phác đồ điều trị 

tim-hieu-phac-do-dieu-tri-sot-xuat-huyet-hien-nay-voh-1
Các bác sỹ sẽ chỉ định truyền máu kịp thời (Nguồn: Internet)

Người bệnh cần phải nhập viện để được cấp cứu kịp thời. Tại các cơ quan y tế, các bác sỹ sẽ theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở, da, niêm mạc, tìm xuất huyết nội để chỉ định truyền máu kịp thời. Nếu xuất huyết nặng thì tiến hành truyền máu và các chế phẩm máu, truyền tiểu cầu hoặc truyền plasma tươi, tủa lạnh.

Trường hợp sau khi sốc hồi phục mà huyết áp kẹt nhưng chi ấm mạch chậm, rõ, tiểu nhiều thì không truyền dịch. Nếu suy tạng nặng thì hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, kiểm soát hạ đường huyết, điều chỉnh điện giải.

Xem thêm: Những thực phẩm nên ăn và kiêng ăn khi đang mắc bệnh sốt xuất huyết

4. Những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết

Chúng ta thường có thói quen tự điều trị bệnh ở nhà, tuy nhiên, diễn tiến của sốt xuất huyết khó lường, không có các chuyên gia y tế tư vấn sẽ dẫn đến những sai lầm nguy hiểm sau đây khi chữa trị sốt xuất huyết. 

  • Sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh để hạ sốt, gây tổn thương gan. 
  • Đi cắt lễ, nặn máu vì nhầm tưởng sẽ loại bỏ máu độc có virus gây bệnh. 
  • Tiếp tục truyền dịch tĩnh mạch khi huyết áp và mạch đã trở về bình thường, tiểu nhiều.
  • Không theo dõi có hiện tượng bù dịch quá tải, gây suy tim hoặc phù phổi cấp để dùng thuốc lợi tiểu.

Hiện nay, sốt xuất huyết có chiều hướng lây lan rộng, cần quan tâm đến việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhẹ, người bệnh có thể điều trị sốt xuất huyết tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ, điều này tránh được tình trạng bệnh viện quá tải, đồng thời hạn chế nguy cơ nhiễm chéo các loại bệnh khác.

Bình luận