1. Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Tĩnh mạch là một bộ phận của hệ thống tuần hoàn, trong lòng tĩnh mạch được cấu tạo bởi một hệ thống van một chiều, nên máu trở về tim từ tĩnh mạch cũng theo một chiều nhất định, không có hiện tượng máu chảy trở lại.
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch bị giãn, chạy quanh co và có dòng máu chảy theo chiều trái ngược nhau, gây ứ trệ tuần hoàn máu tĩnh mạch và tăng áp lực lên tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu về tim (Nguồn: Internet)
Bệnh thường xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng mạch bị tổn thương. Theo thời gian, các tĩnh mạch bị giãn ra sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu về tim, lúc đó được gọi là bệnh giãn tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch bản chất có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Tuy nhiên, thường gặp nhiều nhất là suy giãn tĩnh mạch chân (suy giãn tĩnh mạch chi dưới) và suy giãn tĩnh mạch tay, do hệ thống tĩnh mạch ở các khu vực này có cấu tạo phức tạp và thường phải chịu nhiều áp lực lớn.
Hiện nay, tại khu vực châu Á có khoảng 300 triệu người bị suy giãn tĩnh mạch. Bệnh đa phần gặp nhiều ở nữ giới với tỷ lệ 3 nữ thì có 1 nam.
2. Nguyên nhân và các yếu tố có thể gây suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Một số nguyên nhân thường gặp nhất là:
- Do khiếm khuyết van tĩnh mạch bẩm sinh.
- Tăng áp lực tĩnh mạch do thói quen thường xuyên đứng lâu hay ngồi lâu hay do mang thai.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu ngăn cản dòng máu trở về tim.
- Rò động mạch – tĩnh mạch làm tăng áp lực tĩnh mạch.
- Một số yếu tố khác có khả năng gây suy giãn tĩnh mạch là: người béo phì, phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, yếu tố nội tiết sử dụng nhiều thuốc tránh thai, ít vận động, ăn ít chất xơ, vitamin, lão hóa do tuổi tác, hút thuốc lá quá nhiều....
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch (Nguồn: Internet)
3. Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch
Theo thống kê, có khoảng 75 – 80% người trên 50 tuổi có biểu hiện suy giãn tĩnh mạch với các triệu chứng nặng chân, phù chân vào buổi chiều khi đứng hoặc ngồi nhiều, chuột rút nơi chân, đau bắp chân, cảm giác tê hoặc giống kiến bò ở 2 chi dưới...
Trên thực tế bệnh suy giãn tĩnh mạch thường tiến triển theo 2 giai đoạn:
3.1 Giai đoạn đầu
- Cảm giác khó chịu ở bắp chân, nặng chân, có khi có cảm giác như bị kiến bò, nóng rát.
- Nếu bị suy giãn tĩnh mạch chân sẽ có cảm giác chuột rút ở bắp chân thường xảy ra vào ban đêm.
- Giãn các mao mạch và tĩnh mạch nông ở chân và tay.
- Đau nhức, tê mỏi chân, tay.
Các triệu chứng thường tăng lên vào buổi chiều tối, sau khi đứng lâu và giảm sau khi ngủ dậy, khi nghỉ ngơi...
3.2 Giai đoạn sau
Đây là giai đoạn nặng, tĩnh mạch đã hình thành huyết khối và gây ra các triệu chứng:
- Huyết khối tĩnh mạch nông: Tĩnh mạch nổi hẳn lên có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường, sờ ấm và cứng dọc theo tĩnh mạch, rất đau và có thể kèm theo đỏ da. Huyết khối tĩnh mạch nông thường ít gây các biến chứng và hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Thường gây sưng đỏ, đau nhức nhối, ngứa, có thể bị chảy máu, nhiễm trùng thứ phát ở những vị trí bị suy giãn tĩnh mạch. Một số trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng do huyết khối có thể bong và di chuyển lên phổi gây tắc mạch phổi.
- Loạn dưỡng da: Da bị phù nề, dày lên, có thể bong vảy da, chảy nước và thay đổi màu sắc.
- Loét chân: Xuất hiện các vết loét rất đau, ban đầu là loét nông sau đó sâu và rộng dần, dễ bị bội nhiễm.
4. Suy giãn tĩnh mạch gây ra biến chứng gì?
Suy giãn tĩnh mạch nếu không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)
Bệnh suy giãn tĩnh mạch nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều biến chứng như:
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Đau mạn tính và loét.
- Phù mạch bạch huyết thứ phát.
- Thuyên tắc phổi, đây là bệnh lý nguy hiểm và gây tử vong cao.
5. Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch
Việc chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch hiện nay khá dễ dàng, chủ yếu là khám lâm sàng và siêu âm hệ thống tĩnh mạch của bệnh nhân.
Siêu âm là phương pháp hữu hiệu nhất cho phép đánh giá mức độ suy giãn tĩnh mạch có kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch sâu hay không để người bác sĩ quyết định chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch nông thì việc điều trị khá đơn giản. Chủ yếu là:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế đứng lâu hay ngồi lâu, tăng cường tập thể dục thể thao.
- Có thể mang vớ suy giãn tĩnh mạch liên tục vào ban ngày để hạn chế tình trạng máu ứ trệ chảy ngược và giúp giảm phù nề.
- Dùng thuốc giảm đau, chống viêm, tăng vững bền thành mạch, tan cục máu đông... theo đơn thuốc của bác sĩ.
Nếu trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị xâm lấn như chích xơ tĩnh mạch bằng chất tạo bọt, đến điều trị bằng các phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch (đốt tĩnh mạch giãn bằng sóng cao tần, laser nội mạch hoặc sử dụng chất keo dán sinh học bơm dán thành tĩnh mạch).
Cuối cùng là phẫu thuật cắt lấy bỏ tĩnh mạch bị giãn, sửa van, tạo hình tĩnh mạch.
6. Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?
Để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch cần nhớ những điều sau đây:
- Không đứng quá lâu hoặc ngồi nhiều một chỗ.
- Không để tăng cân quá mức.
- Tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn.
- Cần ăn đủ các loại thức ăn có chứa nhiều vitamin, nhất là các loại rau củ quả để có đủ một số vi chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch.
- Nên xoa bóp nhẹ nhàng 2 chân (theo hướng vuốt dọc từ mu bàn chân lên cẳng chân) trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để máu lưu thông dễ dàng.
Đặc biệt, khi nghi ngờ mắc bệnh giãn tĩnh mạch, điều đầu tiên là phải đi khám bệnh để được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị thích hợp.