Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguyên nhân trẻ bị thiếu máu và cách phòng ngừa

( VOH ) - Trẻ em bị thiếu máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu oxy, vấn đề ở hệ thần kinh... Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây suy giảm thể chất và nhận thức của trẻ.

Theo số liệu từ Hội dinh dưỡng Việt Nam trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em thiếu máu hiện nay chiếm hơn 30%, tỷ lệ trẻ thiếu sắt là hơn 50%, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi.

Những đối tượng nguy cơ của chứng thiếu máu gồm có nhũ nhi, trẻ trong độ tuổi phát triển, trẻ trong giai đoạn dậy thì, phụ nữ đang mang thai. Trong đó, trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị thiếu máu.

1. Thiếu máu là gì và những nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em

Thiếu máu xảy ra khi lượng tế bào hồng cầu (RBCs) trong cơ thể xuống thấp, RBCs chứa haemoglobin, có nhiệm vụ đưa khí oxy đến các mô của cơ thể. Khi lượng RBCs xuống thấp sẽ gây bệnh thiếu máu với các triệu chứng như mệt mỏi và gây áp lực lên các cơ quan khác.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu, trong đó thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất. Cơ thể luôn cần sắt để tạo ra chất hemoglobin, nếu trẻ thiếu sắt cơ thể trẻ sẽ sản xuất ít tế bào hồng cầu hơn đồng thời những tế bào hồng cầu cũng sẽ nhỏ hơn so với bình thường, từ đó làm giảm khả năng chuyên chở oxy. Kết quả là các mô trong cơ thể sẽ nhận được ít oxy hơn so với nhu cầu.

2. Nguyên nhân nào gây thiếu máu ở trẻ?

Như đã chia sẻ, nguyên nhân điển hình và phổ biến nhất gây nên tình trạng thiếu máu ở trẻ em chính là do thiếu sắt (thiếu máu dinh dưỡng):

  • Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi thường do chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ lượng sắt cho cơ thể.
  • Trẻ trên 3 tuổi, ngoài yếu tố dinh dưỡng bé còn có thể gặp phải các vấn đề như bị nhiễm giun sán, viêm ruột mãn tính, dị ứng sữa hoặc các bệnh làm giảm hấp thu sắt..

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng thiếu máu ở trẻ em như: 

  • Bệnh của cơ quan tạo máu: Giảm sản, bất sản tủy, suy tủy bẩm sinh hoặc mắc phải, thâm nhiễm tủy: Bạch cầu cấp kinh (bệnh máu trắng), các di căn vào tủy.
  • Do mất máu: Chấn thương, chảy máu cam
  • Rối loạn về chức năng đông máu: Giảm tiểu cầu, Hemophilia.
  • Do tan máu: Các bệnh tan máu do bệnh huyết cầu tố, bệnh của màng hồng cầu, tan máu tự miễn...

nguyen-nhan-tre-bi-thieu-mau-va-cach-phong-ngua-VOH

Trẻ em là một trong những đối tượng nguy cơ dễ bị thiếu máu (Nguồn: Internet)

3. Triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em

Triệu chứng nhận biết tình trạng trẻ bị thiếu máu khá đa dạng như:

  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Kém tập trung
  • Da nhợt nhạt, đặc biệt ở phần da tay, móng tay và kết mạc mắt
  • Tim đập nhanh, suy tim, thậm chí những trường hợp nặng có thể gây tử vong
  • Tiến hành xét nghiệm sẽ thấy huyết sắc tố giảm, sắt huyết thanh giảm.

4. Trẻ bị thiếu máu có nguy hiểm không?

Bệnh thiếu máu ở trẻ em có thể gây nguy hiểm nếu không được thăm khám kịp thời. Tình trạng thiếu máu có thể khiến cho lượng oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào của cơ thể bị thiếu hụt, dẫn đến những vấn đề về tim mạch, thần kinh và thể chất thường xuyên.

Tình trạng trẻ thiếu máu do thiếu sắt thì có thể dễ dàng bổ sung chất sắt nhưng những suy nhược về tinh thần và thể chất sẽ khó có thể phục hồi. Ngoài ra, thiếu máu cũng làm cho trẻ em dễ bị ngộ độc chì và nhiễm trùng.

5. Khi nào thì cần bổ sung sắt cho trẻ?

Phần lớn những trẻ mới sinh thường sẽ có đủ lượng sắt cho cơ thể do được cung cấp từ nguồn sữa mẹ cho tới khi được 4 - 6 tháng. Sau khi được 4 - 6 tháng tuổi, nếu trẻ chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn mà không ăn bổ sung thêm các loại thức ăn khác thịt băm hoặc ngũ cốc có bổ sung sắt thì mẹ cần xem xét đến việc bổ sung sắt cho trẻ.

Đối với những trẻ sinh non, sinh đôi, sinh nhẹ cân thì người mẹ cần phải bổ sung sắt cho trẻ sớm hơn. Theo khuyến cáo, ở những trẻ này cần phải được bổ sắt từ 1 tháng tuổi.

Những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên thì ngoài sữa mẹ, trẻ cần được tập ăn dặm và nên bổ sung những thực phẩm giàu sắt cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày.

Khi trẻ được 1 tuổi trở lên thì sau 6 tháng hoặc 1 năm (với trẻ trên 3 tuổi) nên cho trẻ đi thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ kiểm tra, tầm soát nếu thuộc đối tượng có nguy cơ bị thiếu sắt, thiếu máu.

Những trẻ cần phải bổ sung sắt kéo dài:

  • Trẻ vị thành niên, nhất là với bé gái thường bị thiếu máu thiếu sắt do sự tăng trưởng nhanh chóng khi dậy thì và bị mất máu nhiều khi bắt đầu hành kinh.
  • Những trẻ em ăn chay thường không được cung cấp đủ lượng sắt từ thực vật và cần phải bố sung sắt kéo dài.
  • Những trẻ có các bệnh lý như viêm dạ dày, ruột... cần có một chế độ ăn bổ sung sắt thích hợp đến khi đủ lượng sắt cho chơ thể.

6. Phòng ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ em bằng cách nào?

Theo bác sĩ Mai Anh, đối với bệnh thiếu máu ở trẻ em cha mẹ nên tiến hành cho đi thăm khám sớm để chủ động phòng ngừa.

  • Đối với trẻ sinh non hoặc sinh thiếu cân, cha mẹ có thể trao đổi cùng bác sĩ về việc có nên bổ sung thêm chất sắt cho bé không.
  • Với trẻ sinh đủ tháng, bú sữa mẹ hoàn toàn, từ 4 tháng tuổi trở lên mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung sắt loại 11 milligrams (mg) mỗi ngày đến khi trẻ được 1 tuổi.

nguyen-nhan-tre-bi-thieu-mau-va-cach-phong-ngua-1-VOH

Chủ động đưa trẻ đi thăm khám là cách phòng ngừa bệnh thiếu máu tốt nhất (Nguồn: Internet)

  • Trẻ trên từ 1 – 3 tuổi có thể đi khám bác sĩ 6 tháng/ lần để xem xét về chế độ ăn uống hoặc những yếu tố có thể dẫn đến thiếu sắt ở trẻ.
  • Với những trẻ lớn hơn thì có thể đi thăm khám tổng quát 1 năm/lần.
  • Trẻ vị thành niên, những bé hoạt động thế chất nhiều và những bé gái từ 12 tuổi trở lên thì nên đi kiểm tra lượng chất sắt 1 lần. Nếu không có bất thường thì có thể kiểm tra lại sau 5 năm.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, tất cả trẻ em, đặc biệt ở những nước có tỷ lệ trẻ thiếu sắt cao nên tiến hành thử máu 1 lần khi bé được từ 6 đến 12 tháng để tầm soát bệnh thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em.

6.1 Trẻ bị thiếu máu nên ăn gì?

Phần lớn những loại thức ăn có nhiều chất sắt thường nằm trong nội tạng động vật (gan, thận...), những loại rau màu xanh đậm, đậu hũ, trái cây khô.... Ngoài ra, các loại đậu hạt và bột ngũ cốc cũng giúp bổ sung lượng sắt cho trẻ khá tốt.

Nên hạn chế các loại thuốc hoặc các loại thức ăn làm giảm khả năng hấp thu sắt như phô mai, sữa hay các loại thức ăn có vị chát.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa sắt ít nhất 5 lần/tuần để đảm bảo đủ lượng chất sắt cần thiết cho cơ thể.

6.2 Có nên cho trẻ uống viên sắt tại nhà?

Thuốc uống bổ sung sắt rất hữu ích trong nhiều trường hợp, tuy nhiên, bác sĩ Mai Anh khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám trước khi cho trẻ uống. Việc cho trẻ uống viên sắt tại nhà khi chưa được xác định chính xác bệnh có thể gây ra tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy..., thậm chí ngộ độc ở trẻ.

Ngoài ra, nếu cơ thể không bị thiếu sắt, việc uống viên sắt sẽ làm cạnh tranh hấp thu với các chất dinh dưỡng và cản trở việc tầm soát chính xác nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em.

Để nghe lại lời chia sẻ của bác sĩ  Nguyễn Hoàng Mai Anh , bạn có thể nghe tại audio bên dưới:

Bình luận