Chờ...

4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước Mekong

(VOH) - Sáng nay 5/4, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane của 4 nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.

Tại Tuyên bố chung Vientiane - được thông qua sau Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Lào - 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995.

Ủy hội sông Mekong có vai trò như một cơ quan ngoại giao và hợp tác về tài nguyên nước hàng đầu trong khu vực.

4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước Mekong 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Đọc thêm: Campuchia lập khu bảo tồn cá heo có nguy cơ tuyệt chủng trên sông Mekong

Tuyên bố chung cũng khẳng định lại những thành tựu kể từ Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 3 trước đó. Trong đó, có việc tăng cường quan hệ đối tác quan trọng, như quan hệ hợp tác Mekong - Lan Thương, quan hệ đối tác Mekong - Mỹ, hợp tác Mekong - Nhật Bản, hợp tác Mekong - Hàn Quốc...

Các nước cũng đã chủ động ứng phó với các thách thức của lưu vực bao gồm phối hợp trong phát triển thủy điện, thủy lợi, giao thông thủy và các hoạt động phát triển tài nguyên nước bền vững khác. Hỗ trợ giảm tác động bất lợi đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương do lũ lụt và hạn hán thông qua thiết lập hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán chính xác hơn với các công cụ hiện đại...

Tại Tuyên bố chung Vientiane, 4 nước tiếp tục công nhận rằng dù việc phát triển và sử dụng nguồn nước của sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến môi trường lưu vực và các cộng đồng dễ bị tổn thương, trong đó có các tác động xuyên biên giới cần phải phối hợp giải quyết.

Đặc biệt khi các tác động trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, như lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xói lở và bồi lắng lòng bờ sông; suy thoái các giá trị môi trường và suy giảm nguồn lợi thủy sản do dòng sông bị chia cắt.

Nhà lãnh đạo 4 nước cũng kêu gọi Ủy hội sông Mekong, tất cả các đối tác và các bên liên quan phối hợp tìm ra các giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức, nắm bắt cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mekong bền vững và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo đó, đưa ra các giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, hỗ trợ triển khai các quy hoạch ngành khác chẳng hạn như sản xuất năng lượng tái tạo, kết nối và nâng cấp mạng lưới truyền tải điện của khu vực...; Hỗ trợ các quốc gia trong trợ giúp các cộng đồng thích ứng với các biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt.

Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh sự thay đổi mang tính chiến lược về quy hoạch lưu vực chủ động và thích ứng, phối hợp trong quản lý vận hành các công trình. Đồng thời, kêu gọi tất cả các quốc gia trong lưu vực, các đối tác và các bên có liên quan duy trì thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, hỗ trợ việc triển khai Chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với Tuyên bố chung và "Tinh thần Mekong".

Chiều tối 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone.

Tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mekong, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, phát huy "tinh thần hợp tác Mekong", bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong Lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, và hiện thực hóa mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.