Chờ...

Điểm tin chiều 29/9: Xử phạt nhiều cơ sở thẩm mỹ, y tế | Nhà bị vùi lấp do sạt lở đất tại Hà Giang

VOH - Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp do sạt lở đất tại Hà Giang; Lắp đặt cầu phao Phong Châu; xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng hồ Phước Hòa là những tin đáng chú ý khác.

Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp do sạt lở đất tại Hà Giang

Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp do sạt lở đất tại Hà Giang
Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp do sạt lở đất tại Hà Giang - Ảnh: TNO

Sáng 29/9, mưa lớn kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ đã gây ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh Hà Giang và Thái Nguyên. Mưa lớn đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện Bắc Quang bị chia cắt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tại xã Việt Vinh, sạt lở đất đã vùi lấp nhiều nhà dân và phương tiện giao thông tại Km49, QL2. Giao thông tại khu vực này bị gián đoạn và ùn tắc, ít nhất 4 ngôi nhà bị sập xuống vực. Lực lượng chức năng đang tích cực cứu hộ cứu nạn, thống kê thiệt hại và tìm kiếm những người mất tích.

Ngoài ra, tại xã Đồng Tâm, sạt taluy dương đã vùi lấp nhà bếp của một hộ gia đình, khiến một học sinh lớp 5 bị mắc kẹt bên trong. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực tiếp cận hiện trường để tìm kiếm và giải cứu nạn nhân. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn còn rất cao tại các tỉnh Hà Giang và Thái Nguyên trong những giờ tới.

Thủ tướng dự lễ khởi công dự án cao tốc đầu tiên của Hòa Bình, vốn 10.000 tỷ đồng

Thủ tướng dự lễ khởi công dự án cao tốc đầu tiên của Hòa Bình, vốn 10.000 tỉ đồng
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án cao tốc đầu tiên của Hòa Bình, vốn 10.000 tỉ đồng - Ảnh: TTO

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đánh dấu sự phát triển hạ tầng của vùng Tây Bắc và sự trưởng thành của tỉnh Hòa Bình.

Dự án có ý nghĩa chiến lược quan trọng, giúp hiện thực hóa đột phá phát triển về hạ tầng, tạo động lực, không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh tập trung, quyết liệt, khoa học, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kết quả phải cân đong, đo đếm được, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, chia sẻ chân thành, kịp thời.

Lắp đặt cầu phao Phong Châu trong 90 phút để phục vụ người dân qua sông Hồng

Sau khi hạ thủy, cán bộ, chiến sĩ công binh tổ chức ghép các phà nhịp.
Lắp đặt cầu phao Phong Châu

Sáng 29/9, Lữ đoàn công binh 249 đã hoàn thành lắp đặt cầu phao PMP 60 tấn bắc qua sông Hồng, cách cầu Phong Châu bị sập khoảng 400m về phía hạ lưu. Cầu phao được lắp đặt tại xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) và xã Bản Nguyên (huyện Lâm Thao), Phú Thọ.

Để lắp được cầu phao, Lữ đoàn 249 đã huy động hơn 200 chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Sau khi xác định vận tốc dòng chảy và chiều rộng lòng sông, Lữ đoàn đã sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố để khớp nối, lắp ghép các đốt khơi lại và cố định để tạo thành chiếc cầu phao hoàn chỉnh.

Cầu phao được hoàn thành sau 90 phút phát lệnh lắp đặt và sẽ chính thức thông xe vào sáng ngày 30-9. Trong thời gian đầu, cầu chỉ cho phép ô tô con, xe bán tải đi 1 chiều, các xe thô sơ, xe máy và xe đạp được lưu thông 2 chiều. Sau đó, tùy vào tình hình kỹ thuật của cầu, lưu tốc và chiều rộng lòng sông, tải trọng của cầu sẽ được tăng dần để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tây Ninh kiến nghị bổ sung 600 tỷ đồng làm dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông

Tây Ninh kiến nghị bổ sung 600 tỷ đồng làm dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông
Tây Ninh kiến nghị bổ sung 600 tỷ đồng làm dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh: TTO

Dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài gần 118km, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông để cung cấp nước cho các huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu, Tây Ninh. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thiện toàn bộ, dự án sẽ cấp nước cho gần 17.000ha đất nông nghiệp và cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi với lưu lượng là 1m3/giây. Dự án giúp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị cây trồng và góp phần cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Đến nay tỉnh Tây Ninh đã phát triển hệ thống thủy lợi được đánh giá là lớn nhất cả nước với tổng chiều dài các tuyến kênh trên 2.000km, trong đó có 4 hồ chứa nước và hơn 1.700 tuyến kênh tưới.

TPHCM xử phạt nhiều cơ sở thẩm mỹ và phòng khám vì vi phạm hành nghề

Phòng khám đa khoa Tân Bình bị xử phạt 4 điều dưỡng
Phòng khám đa khoa Tân Bình bị xử phạt 4 điều dưỡng

Sở Y tế TPHCM đã xử phạt nhiều cơ sở thẩm mỹ và phòng khám vì vi phạm hành nghề, trong đó có Công ty TNHH thẩm mỹ Dr. Vinh Lê bị phạt 106 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 2 tháng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của người phụ trách chuyên môn 1 tháng.

4 điều dưỡng tại Phòng khám đa khoa Tân Bình bị phạt 2 triệu đồng/người và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng/người vì không lập hồ sơ bệnh án.

Trước đó, 6 bác sĩ của Phòng khám đa khoa Tân Bình cũng bị xử phạt 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng vì không lập hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định.

Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM còn xử phạt nhiều cơ sở thẩm mỹ khác, phạt tiền từ 4,5 đến 103 triệu đồng, đình chỉ hoạt động, buộc gỡ quảng cáo và bị tịch thu tang vật vi phạm.

Đề nghị xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng hồ Phước Hòa

Đề nghị xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng hồ Phước Hòa
Đề nghị xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng hồ Phước Hòa - Ảnh: TNO

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đã có báo cáo chi tiết gửi Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương về tình hình vi phạm và công tác quản lý các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Phước Hòa.

Theo báo cáo, hệ thống thủy lợi Phước Hòa có hồ chứa điều tiết ngày với dung tích 21 triệu m3, cấp nước tại chỗ cho tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển về hồ Dầu Tiếng để cấp bổ sung cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP.HCM sử dụng vào các mục đích dân sinh, kinh tế và cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, khu vực vùng bán ngập (đã được đền bù) vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm để trồng cao su, cây ăn trái, cây cảnh quan và hoạt động đào ao, đắp bờ bao, san lấp, tôn nền, trồng cây lâu năm, xây dựng công trình làm nhà ở, homestay nghỉ dưỡng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Công ty thủy lợi Miền Nam cho biết đã kiểm tra, phát hiện và phối hợp với địa phương để xử lý được một số vụ vi phạm, nhưng tình trạng lấn chiếm sử dụng đất đai trong phạm vi bảo vệ hồ chứa không đúng mục đích vẫn rất phức tạp, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của hồ, gây mất an ninh trật tự, nguy cơ mất an toàn khi hồ tích nước.