Khủng hoảng nhà ở: Thu nhập cao nhưng khó mua nhà ở thành phố lớn

VOH - Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố đầu tháng 12/2024, thị trường nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đà Nẵng đang đứng trước một thách thức lớn.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố vào đầu tháng 12/2024, thị trường nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đà Nẵng đang đứng trước một thách thức lớn về khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát mức sống của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù thu nhập của cư dân tại các đô thị lớn đã gia tăng, song giá nhà lại leo thang nhanh chóng, vượt xa khả năng chi trả của nhiều người, kể cả những người có thu nhập cao.

Thu nhập cao nhưng khó mua nhà

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người dân ở các đô thị lớn trong năm 2023 khá cao, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương.

Người dân Hà Nội có thu nhập bình quân khoảng 14,4 triệu đồng/tháng, TPHCM là 13,3 triệu đồng/tháng, Bình Dương là 18,3 triệu đồng/tháng. Dù thu nhập của nhóm người này nằm trong top cao, thì việc sở hữu một căn nhà tại các đô thị lớn vẫn là một giấc mơ xa vời.

VARS cho biết, nhóm dân cư có thu nhập cao được kỳ vọng có thể sở hữu nhà mà không cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, giá nhà tại các khu vực này, đặc biệt là giá chung cư thương mại tăng mạnh trong vài năm qua. Mức giá dao động từ 40 - 70 triệu đồng/m2, tùy khu vực và phân khúc nhà ở.

Với thu nhập của các hộ gia đình có 2 người lao động có thu nhập cao nhất, ước tính khoảng 30 triệu đồng/tháng, họ chỉ có thể chi tối đa 80 triệu đồng/năm cho việc mua nhà. Khoản này gần như không đủ để mua một căn hộ 60m2 tại Hà Nội hay TPHCM, khi giá bán lên tới 2,5 - 3,5 tỷ đồng.

bat-dong-san-241024-163043
Thu nhập cao nhưng khó mua nhà ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM 

Vấn nạn giá nhà và thiếu nguồn cung nhà ở

Nguyên nhân chính khiến cho giá nhà tăng nhanh và vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân là do sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ. Hiện nay, nguồn cung chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở trung và cao cấp, trong khi nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ rất hiếm hoi.

Theo VARS, hầu hết các dự án nhà ở hiện nay đều có giá bán trên 30 triệu đồng/m2, khiến cho phần lớn người dân, kể cả những người thuộc nhóm thu nhập cao, không có lựa chọn phù hợp để mua nhà.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng làm tăng giá bất động sản là hành vi đầu cơ. Một số chủ đầu tư lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn cung để đẩy giá bán lên cao, khiến mặt bằng giá nhà đất tăng chóng mặt, ngay cả tại các khu vực không có nhiều lợi thế về hạ tầng. Điều này tạo ra sự mất cân đối cung - cầu, làm cho nhiều người có nhu cầu thật sự không thể tiếp cận được nhà ở.

Dù lãi suất đã giảm trong thời gian qua, song chi phí vay mua nhà tại Việt Nam vẫn rất cao. Các khoản vay ngân hàng đối với người mua nhà thường có lãi suất từ 10% trở lên, gây áp lực lớn về tài chính cho người vay. Điều này càng khiến cho việc sở hữu nhà trở thành điều xa vời đối với nhiều gia đình, dù họ thuộc nhóm thu nhập cao.

Để giải quyết tình trạng này, VARS cho rằng cần có các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và vốn vay đối với các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông công cộng và mô hình phát triển đô thị TOD (Transit-Oriented Development), tập trung vào giao thông công cộng như tàu điện, metro và xe bus nhanh.

Bình luận