Trả lời chất vấn của đại biểu về tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết UBND TP đã ban hành danh mục 28 dự án giao thông trọng điểm phải tập trung từ đây đến năm 2025. Sau khi Thành phố đề xuất nâng trần trung hạn sẽ bố trí vốn cho các dự án giao thông.
Trong năm 2023, đối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TPHCM sẽ khánh thành. Dự kiến 22/12 TP sẽ chạy thử lần thứ 2 một đoạn metro khoảng 10km, đến tháng 3/2023 sẽ chạy thử toàn tuyến làm cơ sở để đưa vào vận hành thương mại.
Xem thêm: Hai dự án metro tại TPHCM lại chậm tiến độ, xin lùi thời điểm hoàn thành
Về tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), năm 2023, Thành phố khởi công các gói di dời hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị mặt bằng để năm 2025 khởi công xây dựng.
Thành phố cũng sẽ hoàn thiện 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường Lương Định Của, tỉnh lộ 8, các nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ...
Về đường vành đai 2, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, hiện đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ để báo cáo. Hai đoạn khép kín vành đai 2 này theo dự tính có vốn lớn, phải cân đối nguồn.
Dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023 để khởi công sớm, phấn đấu khép kín vành đai 2 cùng thời điểm với vành đai 3 (cuối năm 2025).
Xem thêm: TPHCM công bố 28 vị trí đất (hơn 6,4 triệu m2) sai phạm chuyển đổi mục đích sử dụng
Về đường vành đai 4, Thành phố cũng sẽ chuẩn bị hồ sơ và tháng 12 này sẽ họp thống nhất với các tỉnh thành để triển khai, dự kiến tháng 5/2023 sẽ báo cáo Quốc hội về dự án này.
Năm 2023, Thành phố sẽ tập trung làm hồ sơ khởi động triển khai cao tốc TPHCM - Mộc Bài, phối hợp với các tỉnh thành để triển khai cao tốc TPHCM - Chơn Thành và các công trình kết nối các tỉnh. Nghiên cứu hồ sơ xây dựng các cầu như Thủ Thiêm 3, 4, cầu Cần Giờ…
UBND TPHCM sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông đường thủy; triển khai đề án tổ chức giao thông công cộng chẳng hạn như quy định các phương tiện vào trung tâm Thành phố…
Ông Phan Văn Mãi cho biết năm 2023, TPHCM được phân bổ hạng mục đầu tư công khá lớn với 55.000 tỷ đồng. TP phải tự huy động nguồn lực để thực hiện. Sau khi rà soát thì cân đối được 45.000 tỷ.
Khoản 10.000 tỷ đồng còn lại thành phố sẽ bù từ việc đấu giá nhà đất, vay nợ chính quyền địa phương và tận dụng việc kéo dài Nghị quyết 54 để tăng nguồn thu ngân sách.
Báo cáo HĐND đầu phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022, kinh tế - xã hội thành phố phục hồi hơn dự kiến. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,03% so cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118% dự toán được giao, tăng 17,05% so cùng kỳ. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố vẫn còn tồn tại một số vấn đề như cải cách hành chính, môi trường đầu tư chưa được cải thiện, nguồn lực phát triển chưa thông suốt cả về vốn đầu tư xã hội và đầu tư công. Tính đến đầu tháng 12, thành phố đã giải ngân được 37,2% vốn đầu tư công, tương đương gần 14.000 tỷ đồng trên hơn 37.400 tỷ đồng được giao. |