Chờ...

Nam Bộ mưa dông kéo dài, áp thấp trên Biển Đông khả năng mạnh thêm

VOH - Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chiều 23/9, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13 - 16 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp ở khoảng 15 - 16 độ vĩ bắc, gây mưa dông ở vùng biển phía nam của bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan.

Dự báo đêm 23 và ngày 24/9, vùng áp thấp nói trên có khả năng mạnh thêm, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.

Nam Bộ mưa dông kéo dài, áp thấp trên Biển Đông khả năng mạnh thêm 1
Ảnh minh họa - Internet 

Khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng cao từ 1,5 - 2,5 mét.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, đêm 23 và ngày 24/9, Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa rào, dông rải rác, cục bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Trong những giờ tới, tại tỉnh Kon Tum, Gia Lai tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 60mm, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh này, đặc biệt các huyện: Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đắk Hà, TP Kon Tum (Kon Tum); Chư Păh, Kbang, Đắk Đoa, Mang Yang, Ia Grai (Gia Lai).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.