Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP), sáng 27/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh đã đến lúc đặt ra yêu cầu người dân phải được dùng thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Ảnh: VGP
Báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, cho thấy công tác bảo đảm ATTP tiếp tục chuyển biến tích cực.
Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển 1.261 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, 1.456 sản phẩm và 3.177 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Các chuỗi cung ứng có sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty, một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop…).
Các cấp hội liên hiệp phụ nữ tiếp tục xây dựng các mô hình phụ nữ cam kết thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Nhiều tỉnh đã lựa chọn ý tưởng từ hoạt động khởi nghiệp để hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng các điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm an toàn và các mô hình kinh tế tập thể như: tổ phụ nữ cung cấp dịch vụ nấu cỗ ATTP, mỗi hộ có 1 vườn rau xanh, chi hội phụ nữ trồng rau sạch…
Ngành nông nghiệp đã tổ chức 1.216 hội nghị, hội thảo, tập huấn về chất lượng, ATTP cho 35.314 lượt người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hoạt động thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên chứ không chỉ tập trung vào dịp lễ, tết, tháng hành động vì ATTP.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã ở 9 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Ngành y tế đào tạo được 3.000 cán bộ thanh tra liên ngành, nhưng một số tỉnh như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai chưa mở các lớp đào tạo.
Bên cạnh đó, các địa phương đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Trong đó phát hiện vi phạm của 56.816 cơ sở trên tổng số 347.503 cơ sở được kiểm tra. Xử phạt hành hành chính 8.409 cơ sở với số tiền trên 24,2 tỷ đồng, áp dụng hình thức xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, tiêu huỷ sản phẩm, đình chỉ lưu hành sản phẩm không đạt yêu cầu ATTP.
Đến nay, toàn quốc có 182 phòng phòng kiểm nghiệm thực phẩm của ngành y tế và nông nghiệp; 198 cơ sở được chỉ định. Trong tổng số 116.017 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 11.305 mẫu không đạt chỉ tiêu lý hoá, vi sinh.
Về tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 32 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 794 người mắc, 785 người đi viện, 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10 vụ, 288 người mắc, 101 người đi viện và 7 người tử vong.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến nay Bộ Y tế đã xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin ATTP cập nhật trực tuyến các số liệu: Ngộ độc; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; các sản phẩm thực phẩm đăng ký công bố, tự công bố; các cơ sở đủ điều kiện ATTP… Nhằm khắc phục tình trạng việc thu thập và xử lý báo cáo về ATTP chủ yếu dựa trên hệ thống báo cáo hành chính (giấy tờ) nên thời gian kéo dài, cập nhật không kịp thời, thiếu sự thống nhất. Các Bộ NN&PTNT, Công Thương đang khẩn trương hoàn thành phần mềm cập nhật theo đúng tiến độ trên nguyên tắc tập trung cơ sở dữ liệu với sự phân định chức năng, nghiệp vụ của đơn vị mình.
Cùng với đó, các Bộ Y tế, NN&PTNT, KH&CN, Công Thương đã xây dựng, ban hành một số thông tư liên quan nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công tại Luật An toàn thực phẩm.
Những tồn tại được các đại biểu tập trung làm rõ là chậm xử lý dứt điểm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thuỷ sản; sử dụng phụ gia thực phẩm; giết mổ không bảo đảm ATTP… Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới diễn biến phức tạp. Việc quản lý quảng cáo về các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội còn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tận dụng được những điểm thuận lợi trong công tác bảo đảm ATTP. Đó là nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết. Các tiến bộ KHCN, thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất. Người tiêu dùng có rất nhiều công cụ hỗ trợ. Những vấn đề đặt ra khiến quản lý ATTP ngày càng phức tạp là quy mô và chủng loại hàng hoá, mức độ trao đổi thương mại nông, thuỷ sản ngày càng lớn, đa dạng.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điều đầu tiên là ý thức cộng đồng về ATTP, từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng chuyển biến rất tốt. Công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Những chuỗi sản phẩm thực phẩm an toàn hình thành ngày càng nhiều. Hệ thống các phòng kiểm nghiệm thực phẩm bắt đầu tốt dần lên. Sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành Mặt trận Tổ quốc, các hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên… rất tốt, “anh em có rất nhiều sáng kiến”.
“Chúng ta cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nói rõ những hành vi vi phạm ATTP và xử lý nghiêm. Đã đến lúc cần làm sao để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý cần lựa chọn thực hiện thí điểm trước hết tại các thành phố, đô thị lớn là những nơi tiêu thụ lượng lớn thực phẩm.
Trước sự phát triển của các mô hình sản xuất, kinh doanh, phân phối theo xu hướng mới như nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, từ trang trại đến bàn ăn, những ứng dụng đưa thực phẩm của DN, thậm chí hộ sản xuất nhỏ lẻ đến tận người tiêu dùng… Phó Thủ tướng cho rằng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin liên quan đến giao dịch điện tử, quảng cáo trên mạng. Đơn cử việc xử lý tình trạng quảng cáo sản phẩm thực phẩm trên mạng, đặc biệt là thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ, cần có công cụ quét tất cả các sản phẩm, so sánh với danh sách sản phẩm được cấp phép, nếu có vi phạm thì cảnh báo và xử lý ngay.
Về các mô hình thanh tra ATTP tại quận, huyện, thị xã, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tháo gỡ vướng mắc về luật và việc nhân rộng mô hình phải xem xét sự khác biệt, đặc thù giữa các đô thị lớn chủ yếu tiêu thụ, còn các tỉnh chủ yếu là sản xuất, quan trọng nhất là hiệu quả, không nên cứng nhắc về mô hình.
“Các bộ ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, gần nhất là khẩn trương vận hành hệ thống báo cáo trực tuyến thông tin ATTP của Bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT, các địa phương để cập nhật, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, chỉ đạo kịp thời. Phần nào các đồng chí đã thống nhất được thì đưa vào ngay, không chờ xong toàn bộ”, Phó Thủ tướng để nghị.
Ngoài việc phục vụ công tác quản lý nhà nước, điểm rất quan trọng là hệ thống thông tin ATTP phải huy động cả xã hội tham gia vào. Ngoài những DN, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lớn thì làm sao để một người nông dân, một quán ăn đều có thể dễ dàng đưa thông tin về các loại rau, quả, thịt, cá, đồ ăn lên hệ thống, có địa chỉ rõ ràng. Còn người tiêu dùng cũng thuận lợi chia sẻ thông tin về những loại thực phẩm, cửa hàng an toàn, phát hiện vi phạm ATTP, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
“Sắp tới, chúng ta cần đánh giá lại những kết quả đã đạt được sau 3 năm Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, giai đoạn 2011-2016 và xác định những hướng mới cần tập trung trong công tác ATTP trong giai đoạn tiếp theo như thực phẩm tiêu thụ trong nước có chất lượng như hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…”, Phó Thủ tướng nói.