Chờ...

Người lao động rút BHXH 1 lần có lợi lâu dài?

VOH - Mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí, số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH; mất đi lương hưu hằng tháng... là những thiệt thòi của người lao động khi rút BHXH một lần.

Sau 14 năm làm công nhân ở Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), chị Lê Thị Bích Trâm, quê Sóc Trăng mất việc làm, mất hẳn nguồn thu nhập ổn định, chị đã xin việc ở nhiều nơi mà không nơi nào nhận. Chị  đành phải rút tiền bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống.

“Em tính rút BHXH 1 lần. Giờ ở nhà để đưa con cái đi học chứ có đi làm công ty nữa đâu mà đóng bảo hiểm. Giờ xin việc khó quá, có khi chạy một ngày trời không có công việc luôn. Lúc trước làm ở Pouyuen, cũng nghĩ là để lương hưu chứ em đâu định rút” - chị Bích Trâm tâm sự.

Chị Lê Thị Vân, quê Đồng Tháp, làm công nhân may ở Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã 16 năm, hiện có 2 người con gửi ở dưới quê cho ông bà nuôi - 1 bé đang học lớp 4 và một bé học lớp 9. Chị cho biết vì khó khăn mà bắt buộc phải rút bảo hiểm 1 lần, nếu vẫn không xin được việc làm.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, vấn đề cốt lõi là lương hưu thiết kế trong luật Bảo hiểm xã hội rất thấp. Mặc dù hàng năm cơ quan BHXH tính toán vấn đề trượt giá, nhưng lương hưu vẫn không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Đây cũng là lý do mà một bộ phận người lao động không muốn để dành lương hưu mà chọn rút BHXH một lần.

Nhiều công nhân làm công việc trong những ngành nghề rất nặng nhọc, có cường độ làm việc rất cao. Do đó, sức khỏe giảm sút khi về tuổi trung niên. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng giảm lao động lớn tuổi, tuyển những lao động trẻ hơn để trả lương thấp, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, khi người lao động bị doanh nghiệp cắt giảm ở độ tuổi 40 rất khó để xin việc làm khác. Nhưng chờ từ tuổi đó đến về hưu còn mấy chục năm nữa thì người lao động rất khó khăn. Do đó họ xem BHXH một lần là phương kế sinh nhai sau khi không làm việc tại doanh nghiệp nữa”.

Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, khi lựa chọn rút BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Việc chọn rút BHXH 1 lần, khi về già không có lương hưu sẽ trở thành gánh nặng cho con cháu, gia đình và xã hội. Thậm chí phải tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu để có thu nhập.

Rút BHXH 1 lần: Người lao động đánh mất quyền lợi lâu dài 1
Người lao động đăng ký thông tin tìm việc - Ảnh minh họa: Phương Dung

Từ năm 2020 - 2022, mỗi năm thành phố có hơn 110.000 người rút BHXH một lần. Tình trạng người lao động “bán non” sổ BHXH với giá trị chỉ bằng 50 - 60% số tiền mà cơ quan BHXH sẽ chi trả càng khiến cho NLĐ bị thiệt thòi hơn.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm của TPHCM cho biết: Hiện nhiều công nhân thất nghiệp khó xin việc vì trình độ học vấn thấp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn; hưởng trợ cấp thất nghiệp và chế độ bảo hiểm y tế theo quy định; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được giới thiệu việc làm miễn phí... 

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng cho rằng, để giải quyết căn cơ cho tình trạng rút Bảo hiểm xã hội 1 lần, cần thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố như sửa đổi quy định pháp luật về Bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…

10 tháng 2023, số người rút Bảo hiểm xã hội 1 lần là gần 950.000 người, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Theo phân tích của Bảo hiểm xã hội, nguyên nhân do một phần áp lực về kinh tế, mất việc, phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút Bảo hiểm xã hội một lần.

Số tiền rút BHXH 1 lần có thể cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi, song người lao động lại phải tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần để tuổi già không phụ thuộc vào con cháu, có nguồn tài chính ổn định và được cấp thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.