Liên quan đến vấn đề gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong (đại diện cơ quan thẩm tra) chỉ rõ đây là vấn đề lớn, thách thức thực sự cho an sinh xã hội.
Ông Phong nêu, Chính phủ đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 như luật hiện hành cho phép rút, nhưng khi luật sửa đổi có hiệu lực (1/7/2025) sẽ không được rút. Còn phương án thứ 2 cho rút 50% tiền người lao động đã đóng về hưu trí, tử tuất.
Ông Phong nhấn mạnh phương án nào Chính phủ đưa ra cũng có ưu, nhược điểm và cần đánh giá thật kỹ. Khi tham vấn người lao động có rất nhiều ý kiến khác nhau về các phương án.
Quan điểm của ủy ban là bất kỳ chọn phương án nào nhưng mục đích phải đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động.
Ông nhấn mạnh ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp như cơ chế tính dụng với lãi suất thấp khi gặp khó khăn, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán đặt ra cho vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho hay hiện đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng rất day dứt. Giai đoạn 2016 - 2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến khoảng 5 triệu người.
Theo ông Hồi, số rút bảo hiểm xã hội chủ yếu rơi vào nhóm đóng dưới 5 năm (chiếm gần 70%) và nguyên nhân chính là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội cả cuộc đời.
"Nhiều người lao động vẫn nghĩ hệ thống bảo hiểm xã hội không quan trọng trong tương lai", ông Hồi nói.