Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình kiểm tra TikTok. Tại họp báo chiều 5/6, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói, TikTok "có rất nhiều vi phạm" và việc kiểm tra vẫn đang được tiến hành, dự kiến kết thúc trong tháng 6, nên kết quả cụ thể chưa thể công bố.
Kế hoạch kiểm tra TikTok Việt Nam diễn ra từ giữa tháng 5 với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế.
Tại cuộc họp đầu tháng 4, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định TikTok có 6 vi phạm tại Việt Nam. Nền tảng chưa có biện pháp kiểm soát nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em, nội dung vi phạm bản quyền, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh người khác để bôi nhọ.
Hoạt động của các "idol" không được quản lý tốt, dẫn đến nhiều người có xu hướng tạo nội dung thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo "trend" để thu lời.
Ngoài ra, nền tảng dùng thuật toán phân phối tự động nhằm tạo xu hướng, dẫn đến tình trạng phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ. TikTok cũng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ TT&TT, hệ lụy nguy hiểm là TikTok "khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc".
Tại họp báo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định, "nếu kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ xử lý sai phạm của nền tảng và của cá nhân liên quan". Bộ cũng kêu gọi cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật với cộng đồng sáng tạo nội dung tại Việt Nam.
Ra mắt thị trường trong nước từ tháng 4/2019, TikTok có 50 triệu người dùng tại Việt Nam, với nội dung đặc trưng là video ngắn. Mới đây, nền tảng bổ sung TikTok Shop và nhanh chóng là một trong những dịch vụ thương mại điện tử được dùng nhiều nhất.