Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, bão, lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (Chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng), Ban Quản lý dự án 6 (Chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh), Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ), tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án, kế hoạch thi công sát với tình hình thực tế.
Nhà thầu bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu thi công, cố gắng hoàn thành các hạng mục dở dang trước mùa mưa, bão.
Chú ý điểm dừng kỹ thuật thi công khi có dự báo bão, lũ để đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị; không để máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải ở những vị trí dễ bị sụt trượt, lở đất, ngập sâu.
Các công trình cầu, cống, nền đường,... đang thi công, có thời gian thi công dài phải tập trung giải quyết phần công trình dưới nước, khu vực đắp đất sau mố cầu, cống, các đoạn đào sâu, đắp cao,... kết hợp với biện pháp chống va trôi, neo giữ bảo vệ công trình, vật tư, thiết bị, mặt bằng công trường phục vụ thi công khi có lũ lụt.
Chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn cần kiểm tra, rà soát toàn bộ công trường, kịp thời phát hiện những vị trí tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, đường thủy,... tổ chức thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên các đường công vụ ngoại tuyến trong và sau mùa lụt bão, nhất là giữ mặt đường êm thuận, đảm bảo lưu thông thông suốt, hệ thống cọc tiêu, biển báo đầy đủ, rõ ràng,... đảm bảo an toàn khi có lụt, bão xảy ra.