Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng chiều 27/1: TPHCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán

(VOH) - Sau Tết Nguyên đán, thành phố cần khoảng 44.800 - 55.600 lao động, tập trung ở các ngành như: dệt may - giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm....

TIN TRONG NƯỚC

TP HCM tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 xuyên Tết

Trung tâm Báo chí TP HCM vừa cho biết TP HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại (hay còn gọi là mũi 3) để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.

Việc này nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, trước các diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 cùng sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Theo đó, mỗi quận, huyện sẽ tổ chức tối thiểu 1 điểm tiêm cố định từ ngày 1-2 và hoạt động xuyên Tết.

TP  tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Người dân về quê Đắk Lắk ăn Tết không phải cách ly y tế

Người dân về quê Đắk Lắk ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không phải cách ly y tế dù tiêm chưa đủ liều vắc-xin hoặc từ vùng đỏ về.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ngày 22-1, Bộ Y tế có công văn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán. Tỉnh cũng đã có hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tỉnh sẽ không cách ly y tế người dân về quê đón Tết. Người dân nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn.

Kiểm tra 3 chợ đầu mối TP.HCM lúc rạng sáng

Rạng sáng 27/1, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hoá bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nhâm Dần tại ba chợ đầu mối.

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, thời điểm này hàng hóa về chợ bình quân 1.650 tấn/ngày, sau 25 tháng Chạp lượng hàng về chợ dự kiến tăng từ 50%-100% so với hiện nay.

Về giá cả, thông thường vào 25 - 28 tháng Chạp hàng hóa biến động tăng chủ yếu là những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết như cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, thịt heo.. tăng từ 10% đến 30%. Tuy nhiên, từ đêm cuối chợ 28 tháng Chạp giá hầu hết các mặt hàng giảm dần và ổn định sau Tết.

Ông Nguyễn Văn Huây, Giám đốc Công ty CP quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, dự kiến những ngày cao điểm Tết lượng hàng Tết nhập chợ tăng dần trong đó lượng rau 1.600-2.000 tấn/ngày, trái cây 2.000-2.600 tấn/ngày. Cao điểm 27 tháng Chạp, hàng nhập chợ khoảng 5.000 tấn.

Phó chủ tịch Phan Thị Thắng đề nghị các chợ tăng cường phòng chống dịch, đặc biệt tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Tin nóng chiều 27/1/2022: TP HCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán 1
Ảnh: Bá Nam

Dòng người rời TP.HCM về quê ăn Tết bắt đầu đông dần

Sáng nay (25 tháng chạp), khu vực cửa ngõ phía Đông và Tây TP.HCM bắt đầu đông dần, nhiều người dân lại lỉnh kỉnh đồ đạc về quê nghỉ Tết.

Khu vực quốc lộ 1 qua quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, TP.HCM xe cộ qua lại bắt đầu đông hơn mọi ngày, có thời điểm dòng người di chuyển chậm khi qua đoạn đường hẹp.

Tại các giao lộ, lực lượng CSGT túc trực để điều tiết giao thông, điều chỉnh đèn tín hiệu tránh ùn ứ quá lâu. Một CSGT tại giao lộ quốc lộ 1 - Nguyễn Hữu Trí cho biết so với mọi năm thời điểm này, lượng xe cộ năm nay ít hơn.

"Những ngày gần đây xe cộ có tăng lên nhưng chưa xảy ra ùn ứ đáng kể, tuy nhiên chúng tôi vẫn túc trực để phân luồng cho người dân lúc cao điểm", vị này cho biết.

Khu vực cửa ngõ Tây Bắc rất đông người dân đi hướng An Sương về trung tâm TP khiến cho các đường như Trường Chinh, Cộng Hòa trở nên quá tải, gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Trong đó, tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý dòng xe ken đặc phải nhích từng chút một. Theo người dân khu vực, tình trạng ùn ứ này diễn ra như "cơm bữa", tuy nhiên càng gần đến Tết thì kẹt xe càng nặng hơn.

Trên quốc lộ 13 (TP Thủ Đức) đông đúc xe cộ chạy từ hướng Bình Dương đi bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cũng vài thời điểm xảy ra ùn ứ, đặc biệt khi có tàu hỏa đi qua.

Những ngày này, tại xa lộ Hà Nội (khu vực TP Thủ Đức) hướng từ cầu vượt Trạm 2 đi ngã tư RMK luôn xảy ra tình trạng ùn tắc xe container cục bộ. Theo các tài xế, tình trạng ùn tắc xảy ra vì xe container phải xếp hàng chờ tới lượt vào cảng Trường Thọ gần đó. Dự kiến cuối tuần này là cao điểm dòng người rời TP.HCM về quê ăn Tết.

Kẹt xe trầm trọng trên xa lộ Hà Nội

Cũng trong sáng nay, tại cửa ngõ phía Đông ở TP.HCM số lượng xe tăng đột biến, kẹt xe kéo dài nhiều tuyến đường. 100% quân số các đội CSGT cửa ngõ ra phân luồng nhưng vẫn kẹt.

Theo ghi nhận, tại xa lộ Hà Nội, song hành xa lộ Hà Nội..., xe xếp hàng dài nhiều km từ ngã tư Thủ Đức đến ngã tư RMK. Nhiều tài xế chờ quá lâu đã len lỏi chạy vào làn xe máy.

Kẹt xe kéo dài, những người đi ôtô, xe máy... bị lấn làn phải len lỏi, di chuyển khó khăn qua khu vực này, xe cứu thương, xe buýt cũng bị ảnh hưởng. Một số tài xế "mất kiên nhẫn" đã quay đầu xe nhưng cũng bị kẹt trở lại.

Lãnh đạo Đội CSGT Rạch Chiếc (đảm trách tuyến xa lộ Hà Nội), cho biết nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng những ngày qua trên tuyến này là do dịp cuối năm nên lượng hàng hóa cần phải vận chuyển nhiều, vì thế lượng xe ra vào các cụm cảng tăng đột biến dẫn đến ùn tắc. Theo vị lãnh đạo này, những ngày qua và các ngày tiếp theo trước Tết Nguyên đán 2022, đội sẽ tăng cường 100% quân số CSGT ra đường, chốt chặn tại các ngã tư lớn, tại các cụm cảng... để phân luồng, giảm tình trạng ùn tắc cục bộ.

Tin nóng chiều 27/1/2022: TP HCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán 2
Kẹt xe kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Ảnh: TTO

Công viên bến Bạch Đằng thu hút đông đảo người dân sau khi chỉnh trang

Công viên bến Bạch Đằng, quận 1 hoàn thành cải taọ mở ra thêm không gian dạo phố ngắm sông, người dân có thêm điểm vui chơi, ngắm cảnh thoáng đãng, mát mẻ.

Sáng nay, khá đông người dân tập thể dục, ngồi chơi tại công viên bến Bạch Đằng. Khuôn viên được trang bị hệ thống chiếu sáng mới, lát đá đường đi, trồng cỏ vào khu vực bố trí thảm xanh, các bục đá cũng được trang bị khắp công viên để người dân ngồi...

Việc cải tạo chỉnh trang công viên này có tổng kinh phí dự kiến 26 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Phạm vi thực hiện công trình từ giáp ranh khu vực công trình cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực bến tàu thủy Bạch Đằng, với quy mô hơn 8.000m2.

Việc cải tạo bao gồm các hạng mục xây dựng lối đi, đường dạo, sân bãi, trồng mảng xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động, di dời các công trình chiếm dụng, cải tạo một số công trình hiện hữu.

Cận cảnh đường hoa Nguyễn Huệ trước ngày khai mạc

Sau 2 tuần thi công đến nay, các công đoạn chuẩn bị đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 đã hoàn thành hơn 80%.

Khác với các năm trước, linh vật cổng chào đường hoa Tết Nhâm Dần  không nằm ở vị trí trung tâm mà được chuyển sang hai bên với hình tượng “Song hổ tương phùng” cao 3m, dài gần 7m, được tạo thành từ những lát thép, lát inox cắt gọt tinh tế.

Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay dài hơn 600m được chia thành 3 phân đoạn, gồm “Về rừng sâu – Thiên nhiên tươi xanh”, “Xuân nghĩa tình – Tự hào Việt Nam” và “Ra biển lớn – Nước non hội ngộ”.

Theo nhóm thiết kế đường hoa, với linh vật chính là con hổ, gam màu chủ đạo của đường hoa năm nay sẽ điều tiết phù hợp với đặc tính của "chúa sơn lâm" là gam màu cam và màu xanh xuyên suốt gắn với thông điệp về môi trường, rừng xanh.

Đáng chú ý là hình ảnh linh vật hổ được làm từ sỏi nặng gần 2 tấn, cao 3.5m, dài 8m xuất hiện đầy oai vệ ở đường hoa Nguyễn Huệ năm nay.

Tin nóng chiều 27/1/2022: TP HCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán 3
Đường Hoa Nguyễn Huệ chuẩn bị hoàn thiện phục vụ người dân. Ảnh: hcmcpv

TP HCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, sau Tết Nguyên đán, phần lớn doanh nghiệp sẽ triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, một lượng lao động lớn từ các tỉnh sẽ quay lại thành phố khi tình hình dịch đã ổn định.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy sau Tết Nguyên đán, thành phố cần khoảng 44.800 - 55.600 lao động, tập trung ở các ngành như: dệt may - giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; cơ khí; hóa chất - dược - cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ… Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39% tổng nhu cầu của thành phố, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng 19,13%, trung cấp 25,08%, sơ cấp 20,6%.

Tin nóng chiều 27/1/2022: TP HCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán 4
Ảnh minh họa: Internet

TIN THẾ GIỚI

Hỗ trợ các nước nghèo vượt qua khó khăn

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/1 đã công bố gói cứu trợ 100 triệu USD cho nạn nhân lũ lụt ở Nam Sudan. Giám đốc khu vực của WB phụ trách Eritrea, Ethiopia, Nam Sudan và Sudan ở khu vực Đông và Nam Phi nói với các nhà báo rằng các gói tài trợ được phê duyệt sẽ được cung cấp cho Chính phủ Nam Sudan vào giữa năm 2022.

Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, lũ lụt đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo, vốn đã rất thảm khốc tại quốc gia châu Phi này, với 7,2 triệu người, trong đó hàng triệu trẻ em đang phải đối mặt với nạn đói. Lũ lụt nặng nề kể từ tháng 5/2021 đã ảnh hưởng đến hơn 840.000 người trên bảy bang của Nam Sudan.

Bắc Kinh (Trung Quốc) hạn chế đi lại ở nhiều khu vực 

Thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc đã hạn chế đi lại ở nhiều khu vực trong thành phố nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, trong bối cảnh chưa đầy 10 ngày nữa sẽ khai mạc Olympic mùa Đông tại thành phố này, dự kiến vào ngày 4/2. 

Quận Phong Đài ở Bắc Kinh tối 26/1 đã mở rộng áp dụng quy định người dân không rời khỏi nhà nếu không cần thiết và phải tiến hành xét nghiệm hằng ngày. Trước đó, quận Phong Đài đã phong tỏa một số khu vực, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn cư dân. Chính quyền thành phố Bắc Kinh không áp đặt phong tỏa bất kỳ quận nào, song một số quận hiện tự áp đặt hạn chế đi lại tại một số khu vực.

23 ca mắc mới COVID-19 liên quan tới Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 

Ban Tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 ngày 27/1 thông báo đã phát hiện 23 ca mắc COVID-19 có liên quan tới sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này.

Trong số các ca mắc này có 15 ca là những người mới nhập cảnh tại sân bay, còn 8 ca được phát hiện trong quy trình "bong bóng khép kín" COVID-19 của Ban tổ chức. Theo kế hoạch, Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức ở trạng thái gần như bình thường, bắt đầu diễn ra từ ngày 4/2, với đầy đủ các quầy hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực và các quán bia tại các địa điểm thi đấu, có điều toàn bộ các hoạt động này diễn ra trong "bong bóng khép kín". 

Tin nóng chiều 27/1/2022: TP HCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán 5
 

Địa điểm sẽ tổ chức môn thi trượt băng tốc độ tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 sắp tới. Ảnh AP

Israel tiêm vaccine mũi 4 cho nhóm dễ tổn thương trên 18 tuổi

Israel ngày 26/1 thông báo nước này sẽ triển khai tiêm chủng mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dễ bị tổn thương trên 18 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong nỗ lực đối phó với các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại nước này.

Trong giai đoạn mới của chiến dịch tiêm chủng tại nước này, đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ 4 là người trên 18 tuổi. Một nghiên cứu cho thấy mũi tiêm thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer có khả năng tăng gấp 3 đến 5 lần lượng kháng thể chống virus SARS-CoV-2 ở người được tiêm, so với người tiêm 3 mũi.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế Israel, hơn 600.000 người trong tổng số 9,4 triệu dân của nước này đã tiêm mũi 4.

Mỹ ghi nhận trên 1 triệu trẻ em mắc COVID-19 trong 1 tuần

Hơn 1,1 triệu trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 13-20/1 vừa qua. Con số này cao hơn 17% so với mức 981.000 ca ghi nhận 1 tuần trước đó và gấp đôi con số ghi nhận 2 tuần trước đó.

Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã ghi nhận 10,6 triệu trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó chỉ riêng 2 tuần vừa qua có hơn 2 triệu ca. Trong đại dịch, điều quan trọng nhất là đảm bảo các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, cách ly người bệnh, tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, giảm tải cho các bệnh viện và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có trẻ em chưa đủ tuổi tiêm phòng.

Tin nóng chiều 27/1/2022: TP HCM cần khoảng 55.000 lao động sau Tết Nguyên đán 6
Một trẻ em được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seattle, Mỹ hồi tháng 8/2021. Ảnh tư liệu: AP

Châu Âu dỡ bỏ hạn chế COVID-19 dù ca nhiễm tăng vọt

Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, bất chấp làn sóng Omicron gây ra số ca nhiễm tăng kỷ lục. 

Theo trang The Guardian (Anh), động thái tái mở cửa diễn ra khi dữ liệu thống kê cho thấy số ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt tại nhiều quốc gia châu Âu không tăng theo đà lây nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch đang bước vào giai đoạn dễ kiểm soát hơn.

#Tại Hà Lan, các quán bar, nhà hàng và bảo tàng đã được phép mở cửa trở lại từ hôm 25/1, sau khi Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố chính phủ đang tìm cách kiểm soát ca nhiễm trong giới hạn khi số ca mắc hàng ngày vẫn tiếp tục lập kỷ lục. Tuy nhiên, số người nhập viện cần chăm sóc đặc biệt và các ca tử vong đã giảm.

#Cách đây 2 tuần, Chính phủ Đan Mạch đã cho phép các rạp chiếu phim và địa điểm âm nhạc mở cửa trở lại sau một tháng đóng cửa. Hôm 26/1, quốc gia này tuyên bố sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát COVID-19 từ ngày 1/2.

#Tuần trước, Bỉ đã tuyên bố nới lỏng các hạn chế từ ngày 21/1 bất chấp số ca lây nhiễm cao kỷ lục. Các quán bar và nhà hàng được phép mở cửa đến nửa đêm và các hoạt động trong nhà như khu vui chơi và sân chơi bowling sẽ mở cửa trở lại.

Bình luận