TPHCM: Sẽ rút giấy phép cửa hàng kinh doanh xăng dầu nếu có sai phạm
Tại buổi họp báo chiều 24/2, Sở Công Thương TPHCM cho biết khi kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố lực lượng chức năng đã phát hiện một cửa hàng ngừng hoạt động tại quận Tân Bình.
Khi làm việc lực lượng chức năng ghi nhận thông tin chủ cửa hàng đang thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cho chủ mới. Tuy nhiên, chủ mới lại không đồng ý tiếp nhận cửa hàng nên đóng cửa. “Theo quy định, Thanh tra Sở Công Thương đang tiến hành thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu”. Cục Quản lý Thị trường TPHCM cho biết, đơn vị này đã huy động 100% quân số để giám sát, đảm bảo bình ổn thị trường. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ không nhắc nhở mà xử lý theo quy định.
Thời gian qua, TPHCM có tình trạng một số ít cây xăng nhập hàng về không kịp, nhưng sau đó đã nhập hàng và quay lại hoạt động bình thường. Số lượng này nhỏ và được kiểm soát thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thời sự thế giới có những diễn biến căng thẳng, phức tạp giữa các quốc gia có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Hiện một số ông lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam... đã được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước.
Hà Nội khuyến cáo người dân không hoang mang vì số ca mắc tăng nhanh
Trong những ngày gần đây, số ca mắc trên địa bàn thành phố tăng nhanh, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, đã có tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tăng giá đột biến
TP. Hà Nội đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục quản lý nhóm nguy cơ và rà soát, trẻ em trong độ tuổi 12-17 và nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà, nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 của ngành y tế.
Đà Nẵng: người dân đổ xô mua lá xông phòng dịch
Từ sau Tết Nguyên đán, tại thành phố Đà Nẵng ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao. Một trong những phương pháp hỗ trợ phòng và điều trị Covid-19 được nhiều người lựa chọn là xông lá chưa tinh dầu nhằm tăng sức đề kháng. Lượng người mua đông, khiến giá mặt hàng này tăng giá gấp 2 đến 3 lần so với trước Tết.
Thực tế, việc xông mũi, họng bằng gừng và tỏi, sả tại nhà đang được nhiều người dân lựa chọn để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Đà Nẵng khuyến cáo, để đề phòng dịch bệnh Covid-19, mọi người nên xông mũi họng bằng thảo dược. Tuy nhiên, không xông quá nhiều, một ngày chỉ nên xông 2 lần đối với người mắc Covid-19 và một lần đối với trường hợp là F1.
Cẩn trọng trẻ em bị bỏng khi xông hơi phòng COVID-19
Ngày 24/2, các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đang tích cực chữa trị cho hai bệnh nhi bị bỏng do xông hơi bằng nước lá để phòng COVID-19.
Bác sĩ Thái Văn Bình - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An - khuyến cáo trẻ bị bỏng cần được sơ cứu đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên, bởi nếu xử lý sai cách thì tổn thương bỏng chuyển độ sâu, nhiễm trùng, sẽ để lại các di chứng.
"Các bậc phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Bình nói.
Bắc Kạn thiếu kit xét nghiệm nhanh
Từ tuần qua, nhiều cơ sở y tế tại tỉnh Bắc Kạn, trong đó có cả những cơ sở y tế trọng điểm như Bệnh viên đa khoa tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố... đã rơi vào tình trạng thiếu kit xét nghiệm nhanh COVID-19.
Nhiều đơn vị y tế công lập đã thông báo dừng thực hiện dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân và chỉ thực hiện nếu người dân tự mang theo kit xét nghiệm. Trong khi đó, CDC Bắc Kạn cũng đã rơi vào tình trạng thiếu sinh phẩm phục vụ xét nghiệm PCR.
Ngày 24/2, Sở Y tế Bắc Kạn đã có văn bản thông báo về việc chẩn đoán ca mắc bệnh COVID-19 bằng xét nghiệm nhanh, thay vì buộc phải có kết quả xét nghiệm PCR như trước. Theo đó, để chẩn đoán ca bệnh cần có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính 2 lần liên tiếp với COVID-19.
Phát hiện 400 hộp thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 nhập lậu
Khoảng 12h ngày 24/2, lực lượng hải quan và quản lý thị trường của thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, phát hiện ôtô mang biển số địa phương do ông Vy Hoàng Sơn (35 tuổi, người địa phương) lái tại khu vực gần biên giới thuộc phường Hòa Lạc.
Sau khi yêu cầu dừng xe để kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Sơn đang vận chuyển 400 hộp thuốc chữa Covid-19 dạng viên nang, loại 12 viên/vỉ, 2 vỉ/hộp. Trên hộp thuốc có ghi dòng chữ Trung Quốc "Lianhua Qingwen Jiaonang" còn gọi là Liên hoa thanh ôn.
Ông Sơn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng nên cơ quan chức năng đã lập biên bản, thu toàn bộ số hàng cùng phương tiện để điều tra, xác minh.
Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời; không nên mua, sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc bán trôi nổi.
TIN THẾ GIỚI
Thái Lan ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới
Hôm 24-2, Bộ Y tế công cộng Thái Lan công bố đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ cao nhất từ đầu đại dịch COVID-19, với 23.557 ca, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đối phó đợt dịch do biến thể Omicron gây ra.
Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ trên là 38 ca - thấp hơn nhiều so với 184 ca tử vong được báo cáo vào ngày 13-8-2021, thời điểm Thái Lan ghi nhận kỷ lục 23.418 ca nhiễm trong 24 giờ.
Tháng trước, một quan chức tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể đã biết trước đó của virus SARS-CoV-2. Trong khi số ca bệnh đã tăng kỷ lục ở nhiều nơi, tỉ lệ nhập viện và tử vong thường thấp hơn so với các giai đoạn trước của đại dịch.
Hiện chỉ có dưới 181.000 người đang được điều trị tại bệnh viện hoặc cách ly trong cộng đồng. Vào ngày 13-8-2021, con số này lên tới 212.000 người.
Số ca COVID-19 nặng gia tăng ở người độ tuổi 40 và 50 tại Nhật Bản
Theo Đài NHK, 60.000 ca nhiễm mới đã được báo cáo trên khắp nước Nhật vào ngày 24-2. Số ca nhiễm mới đang tăng chậm lại. Tuy nhiên, các bác sĩ lo ngại về tình trạng gia tăng ca bệnh nặng ở những người tương đối trẻ.
Thủ đô Tokyo ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới. Con số này giảm khoảng 7.700 ca so với một tuần trước. Tuy nhiên, bộ trưởng y tế Nhật Bản bày tỏ thận trọng. "Các dịch vụ y tế dành cho những ca nhẹ đến vừa phải có thể tiếp tục căng thẳng ở nhiều khu vực trong thời điểm hiện tại. Tỉ lệ lấp đầy giường bệnh với các ca nặng có thể tiếp tục tăng" - Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Goto Shigeyuki cho biết.
Số bệnh nhân mắc bệnh nặng trên cả nước Nhật Bản hiện ở mức gần 1.500 người. Một chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng nghiêm trọng khi được đưa đến bệnh viện.
Bác sĩ Morioka Shinichiro đến từ Trung tâm Y tế và sức khỏe toàn cầu quốc gia cho biết ngày càng nhiều ca nặng là những người độ tuổi 40 hoặc 50. Ông Morioka cho biết điều quan trọng là mọi người đi tiêm mũi vắc xin tăng cường và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm và lây lan COVID-19.
Vũ Hán (Trung Quốc) đối phó đợt dịch mới
Theo báo China Daily hôm 24-2, thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đang tiến hành công tác truy vết, cách ly, điều trị, xét nghiệm và rà soát một cách có trật tự để kiểm soát COVID-19. Vũ Hán là tâm dịch của Trung Quốc vào đầu năm 2020, và là nơi chính thức ghi nhận các ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới.
Thành phố này đã ghi nhận một ổ dịch COVID-19 bắt nguồn tại một khóa đào tạo nhân viên vào cuối tuần qua. Vũ Hán đã ghi nhận 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng trong giai đoạn 24 giờ (tính đến trưa 24-2), nâng tổng số ca nhiễm được ghi nhận trong đợt dịch mới tại đây lên 26 ca (gồm 20 ca được xác nhận chính thức và 6 ca không có triệu chứng).
Tất cả bệnh nhân này đều được đưa tới Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán để theo dõi và điều trị. Tính đến trưa 24-2, hơn 1,14 triệu dân tại Vũ Hán đã cung cấp các mẫu xét nghiệm PCR. Ủy ban Y tế Vũ Hán thúc giục dân địa phương không rời Vũ Hán nếu không hoàn toàn cần thiết.
Mỹ gia tăng các biện pháp cấm vận với Nga
Chiều 24/2 (giờ Mỹ, tức sáng 25/2 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu trình bày quan điểm và chính sách của Mỹ trước diễn biến tại Ukraine.
Sau khi chỉ trích các hành động quân sự của Nga, Tổng thống Mỹ cho biết, Mỹ và các đồng minh đã nhóm họp, đưa ra một loạt các biện pháp về quân sự và kinh tế để kiềm chế Nga.
Về quân sự, Mỹ và NATO tuy không đưa quân vào Ukraine nhưng sẽ tăng cường an ninh, gửi thêm quân đội và vũ khí tại các nước NATO ở Đông Âu.
Về kinh tế, bốn ngân hàng lớn nhất của Nga sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ. Các biện pháp trừng phạt Nga sẽ tiếp tục được bổ sung trong những ngày tới.
Bất ổn tại Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao kỷ lục, tác động xấu đến đời sống và nền kinh tế Mỹ. Đây cũng là lý do để nhiều thành viên đảng Cộng hòa Mỹ chỉ trích Tổng thống Joe Biden. Để trấn an cử tri, Tổng thống Biden cho biết, ông đã quyết định mở kho dự trữ dầu của Mỹ, làm việc với các đối tác, công ty dầu lửa lớn thế giới để tăng nguồn cung, giảm giá dầu.