Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng sáng 26/3: Tối nay, cùng tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất 2022

(VOH) - Giờ Trái Đất năm nay có chủ đề "Kiến tạo tương lai - Bây giờ, hoặc không bao giờ" tiếp tục được tổ chức trực tuyến từ 20h30 – 21h30 ngày 26/3.

Tối nay (26/3): Cùng tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất 2022

Giờ Trái Đất năm nay có chủ đề "Kiến tạo tương lai - Bây giờ, hoặc không bao giờ" tiếp tục được tổ chức trực tuyến.

Nhằm lan tỏa hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động "tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết" từ 20h30 – 21h30 ngày 26/3. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nói không với việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, hướng tới tiêu chí "thực phẩm bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm".

tin-nong-sang-26-3-voh.com.vn-anh1
Giờ Trái Đất năm nay có chủ đề "Kiến tạo tương lai - Bây giờ, hoặc không bao giờ".

Các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng các tiết học giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, phát động phong trào thi đua hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Tổng kết và ghi lại hình ảnh, videoclip các hoạt động hưởng ứng; đăng tải trên các phương tiện mạng xã hội kèm hashtag: #GioTraidat #BoTNMT.

Sau 15 năm, Giờ Trái Đất đã mở rộng ảnh hưởng, không chỉ kêu gọi hành động riêng trong lĩnh vực năng lượng mà đã hướng tới giá trị thực sự về bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.

Bộ Y tế giao Sở Y tế quyết định đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản, nhắc lại

Ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký văn bản số 1506 gửi các đơn vị liên quan về việc tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tham mưu chủ tịch UBND quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

Với Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tham mưu lãnh đạo bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp. Bộ yêu cầu các đơn vị cần xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin COVID-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học.

tin-nong-sang-26-3-voh.com.vn-anh2
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10, 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM . (Ảnh: TTO)

Theo Bộ Y tế, người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin mRNA (vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất) có thể tiêm liều nhắc lại bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất, thời gian tiêm tối thiểu là 3 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản. Theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhóm người cao tuổi và có bệnh nền sẽ là nhóm đầu tiên nên tiêm mũi vắc xin nhắc lại (mũi 4).

USAID hỗ trợ vật tư y tế phòng, chống COVID-19 trị giá 1 triệu USD cho Việt Nam

Ngày 25/3, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tổ chức bàn giao các trang thiết bị y tế và vật tư phục vụ tiêm vắc xin trị giá 1 triệu USD cho Việt Nam để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các trang thiết bị và vật tư này do USAID tài trợ, được cung cấp thông qua UNICEF trong giai đoạn từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2022, bao gồm 2,5 triệu xilanh, 125.000 khẩu trang N95 và 250 máy theo dõi bệnh nhân.

Trong thời gian qua, kể từ năm 2020, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 32,72 triệu USD bao gồm 30,2 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna; các trang thiết bị, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật phòng chống dịch. Trong đó, 24 triệu USD được hỗ trợ thông qua USAID. Trong thời gian sắp tới, dự kiến 1 triệu USD sẽ được hỗ trợ thông qua việc cung cấp trang thiết bị bao gồm tủ lạnh và máy tính để hỗ trợ hoạt động tiêm chủng phòng COVID-19 tại Việt Nam, đặc biệt dành cho tuyến xã.  

TP.HCM lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến

Ngày 25/3, Sở Y tế và Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM đã đến khảo sát tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 (Q.Tân Phú) để lập Trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 (TCCVT DC 115) theo quyết định của UBND TP.HCM về thành lập các TCCVT DC 115 phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân trực thuộc Trung tâm cấp cứu 115.

Mỗi TCCVT DC 115 khu vực có 10 xe cấp cứu với 165 nhân viên chuyên môn y tế và nhân viên chuyên môn khác; chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM và Trung tâm cấp cứu 115, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế.

Các Trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 trưng dụng, chuyển đổi công năng một số xe vận chuyển hành khách thuộc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futa Bus Lines và Tập đoàn Mai Linh. Trước dịch Covid-19, Trung tâm cấp cứu 115 có 13 xe cứu thương, hiện đã có 43 xe.

Hôm nay 26/3, TP.HCM điều chỉnh đi lại trên một số tuyến đường trung tâm

Ngày 25/3, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin về điều chỉnh tổ chức giao thông các tuyến đường ở quận 1 phục vụ Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022. Theo đó, từ 6h đến 9h ngày 26/3 và từ 4h đến 10h30 ngày 27/3, sẽ cấm các loại xe lưu thông trên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Phạm Ngọc Thạch đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Ngoài ra sẽ hạn chế các loại xe lưu thông lộ trình các tuyến đường Lê Duẩn - Công Xã Paris - Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - vòng xoay Công trường Quách Thị Trang - Lê Lợi - Pasteur - Lê Duẩn (quận 1).

tin-nong-sang-26-3-voh.com.vn-anh3
Ngày 26 và 27/3, TP điều chỉnh một số tuyến đường khu vực trung tâm. (Ảnh: TTO)

Lộ trình tham khảo 1 (hướng từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm): đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Phùng Khắc Khoan - Trần Cao Vân - vòng xoay Công trường Quốc Tế -Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Lộ trình tham khảo 2 (hướng từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm): đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng -Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Lộ trình tham khảo 3 (hướng từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa): đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn.

Hà Nội lên phương án thí điểm xe đạp công cộng

Hiện nay, Hà Nội đã lên kế hoạch thí điểm mô hình cho thuê xe đạp để phụ trợ người dân di chuyển bằng phương tiện cộng cộng. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng chiếc xe đạp này như một phương tiện di chuyển cá nhân tại Hà Nội. Các điểm bố trí xe sẽ được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác như bến xe bus, điểm lên xuống tàu điện hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Đây là dự án phát triển xe đạp công cộng do Sở Giao thông Vận tải thực hiện nhằm thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Theo dự thảo đề án "Xe đạp đô thị" của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự kiến trong năm 2022 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Được bố trí 82 vị trí ở 6 quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND thành phố hỗ trợ miễn phí vỉa hè tại các điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.  

TIN THẾ GIỚI

Panama: Nhiều quy định được dỡ bỏ từ 28/3

Chính phủ Panama hôm 25/3 thông báo kể từ ngày 28/3, người dân nước này sẽ được phép bỏ khẩu trang trong không gian mở hoặc ngoài trời, miễn là duy trì khoảng cách tối thiểu 1 mét với người khác.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia với 4,28 triệu dân gần đây ghi nhận số ca mắc COVID-19 và tử vong hàng ngày giảm liên tục. Bộ Y tế Panama khuyến nghị các nhóm dễ bị tổn thương, như người trên 60 tuổi, người có bệnh mãn tính, bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, người chưa tiêm chủng hoặc chưa chủng ngừa đầy đủ, tự đánh giá rủi ro cá nhân để áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Từ ngày 28/3 tới, Panama cũng dỡ bỏ hạn chế số lượng hành khách và quy định bắt buộc đeo tấm che mặt trên các phương tiện giao thông công cộng, song vẫn duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, hoặc không gian mở nhưng không thể duy trì khoảng cách tối thiểu 1 mét.

Hong Kong khôi phục các dịch vụ từ ngày 1/4

Từ ngày 1/4, chính quyền đặc khu sẽ dần khôi phục các dịch vụ công, mục tiêu là khôi phục hoạt động bình thường vào ngày 21/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các quy định về phòng chống dịch, một số dịch vụ không khẩn cấp hoặc không thiết yếu có thể chưa được nối lại sau đó.

tin-nong-sang-26-3-voh.com.vn-anh4
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 13/3/2022. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Cũng từ ngày 1/4, các cơ quan chính quyền tại Hong Kong sẽ trở lại hoạt động bình thường sau thời gian thực hiện yêu cầu làm việc giãn cách, tất cả nhân viên phải hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày này. 

Chính quyền đặc khu trước đó cũng thông báo các trường học sẽ nối lại các lớp học trực tiếp sớm nhất vào ngày 19/4, trước hết là các trường quốc tế, tiểu học và mẫu giáo. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine trong trường học đạt 90%, các lớp có thể giảng dạy trực tiếp cả ngày. Từ ngày 21/4, Hong Kong cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm ăn uống trong nhà hàng sau 18h, mở cửa trở lại hầu hết các địa điểm công cộng và cơ sở thể thao...

Philippines nới lỏng quy định nhập cảnh

Từ ngày 1/4 tới, Philippines sẽ khôi phục các quy định nhập cảnh như trước khi dịch COVID-19 bùng phát với công dân các nước được yêu cầu thị thực và đã tiêm vaccine liều cơ bản.

Theo đó, người nước ngoài khi nhập cảnh Philippines phải trình giấy chứng nhận đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, ngoại trừ trẻ em 12 tuổi đi cùng cha mẹ là người nước ngoài đã hoàn thành liều cơ bản. Ngoài ra, người nhập cảnh cũng phải cung cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính có hiệu lực trong vòng 48 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong phòng thí nghiệm có hiệu lực trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành. Sau khi nhập cảnh, du khách tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày đến. 

tin-nong-sang-26-3-voh.com.vn-anh5
Người dân xếp hàng tại bến xe ở Manila, Philippines. (Ảnh: REUTERS)

Chính sách mới về nhập cảnh đánh dấu bước đi tiếp theo của Philippines trong nỗ lực mở cửa trở lại với tất cả những người nhập cảnh, bao gồm cả khách du lịch.

Phần Lan dừng tuyến giao thông đường sắt với Nga

Công ty đường sắt quốc gia Phần Lan VR sẽ đình chỉ hoạt động giao thông đường sắt giữa thủ đô Helsinki và thành phố Saint Peterburg của Nga từ ngày 28/3, theo đó đóng cửa một trong những tuyến giao thông công cộng cuối cùng để người từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU).

Một trong những lý do duy trì dịch vụ đường sắt cho đến nay là để người Phần Lan sinh sống tại Nga có thể trở về nước; nay tình hình đã thay đổi và việc tiếp tục dịch vụ này không còn phù hợp.

tin-nong-sang-26-3-voh.com.vn-anh6
Ảnh minh họa. (Nguồn: helsinkitimes.fi)

Trước đó, giao thông hàng không giữa Nga và EU đã bị cắt đứt. Tuy nhiên, biên giới trên bộ giữa Phần Lan và Nga vẫn mở cho ô tô riêng đi qua.

Dầu thô của Nga giảm giá mạnh ở Ấn Độ, Trung Quốc

Một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu thô của Nga, buộc Nga phải giảm giá mạnh, với hai khách hàng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong năm 2021, Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai của Nga. Tuy nhiên, khả năng nhập thêm một lượng lớn dầu của Nga là khó, khi công suất các tuyến đường ống, tuyến vận tải đường biển không còn nhiều.

Ấn Độ tăng tốc nhập khẩu dầu thô của Nga trong năm nay. Nga không phải là nhà cung ứng dầu mỏ truyền thống của Ấn Độ. Nhưng lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm chống Nga đang tạo ra sự dịch chuyển của Ấn Độ, khi dầu thô của đang được chào với mức giá thấp. Do nhập khẩu dầu thô chiếm 80% nhu cầu trong nước, Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng. New Delhi và Moskva được cho là đang thảo luận thỏa thuận về hoán đổi tiền tệ, không dùng đồng USD trong thanh toán các giao dịch dầu thô.

Tìm thấy vi hạt nhựa trong máu người

Tờ Guardian (Anh) đưa tin lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện hạt vi nhựa trong máu của con người, với tỷ lệ gần 80% tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Sau khi phân tích mẫu máu của 22 người trưởng thành khỏe mạnh, họ đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu của 17 người. Cụ thể, một nửa mẫu máu chứa nhựa PET, thường được sử dụng làm chai đựng nước. Trong khi đó, 1/3 mẫu máu chứa nhựa polystyrene, thường dùng làm bao bì đóng gói thực phẩm. 1/4 mẫu chứa chất polyethylene dùng làm túi nilon. 

tin-nong-sang-26-3-voh.com.vn-anh7
Phát hiện của nghiên cứu phần nào củng cố thêm cho giả thuyết nói việc tiếp xúc với các hạt vi nhựa có thể khiến chúng xâm nhập vào máu người. (Ảnh minh họa: THE NEW PAPER)

Khám phá cho thấy những hạt nhựa nhỏ li ti có thể di chuyển theo dòng máu và lưu lại các bộ phận cơ thể. Ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe ra sao vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang lo ngại về vấn đề này dựa trên kết quả quan sát trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa đã gây ảnh hưởng xấu đến tế bào của con người.

Bình luận