Chờ...

Tin nóng trưa 28/12: Đến năm 2025 có 95% người cao tuổi có thẻ BHYT

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2156 về việc phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.

Liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, Chính phủ đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2022 - 2025, cả nước phấn đấu có 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan có thẩm quyền triển khai kịp thời trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tin nóng trưa 28/12: Đến năm 2025 có 95% người cao tuổi có thẻ BHYT 1
Ảnh minh họa: VTV

Bến Tre: Nỗ lực giảm thấp nhất nguy cơ tử vong ở người mắc Covid-19

Tính đến 6 giờ ngày 28/12, Bến Tre ghi nhận hơn 25.000 ca F0, trong đó có 160 trường hợp tử vong và gần 15.000 bệnh nhân kết thúc điều trị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương quản lý, bảo vệ người nhóm nguy cơ cao, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19.

Các địa phương phải rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý sức khỏe người trên 50 tuổi; thành lập các tổ tiêm vaccine theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn, đảm bảo “không để sót một ai, nhất là người ở nhóm nguy cơ cao”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre yêu cầu đến ngày 31/12, tỉnh hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; chậm nhất trong tháng 1/2022 hoàn thành tiêm vét mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi hoàn thành trong quý I/2022. Ngoài ra, ngành Y tế đảm bảo cung cấp thuốc điều trị cho các cơ sở y tế cũng như F0 điều trị tại nhà; quản lý chặt để tránh tình trạng F0 không tuân thủ quy trình điều trị.

Bình Phước: Lên kế hoạch điều trị 20.000 F0

Hiện nay, Bình Phước xuất hiện nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây, một số ổ dịch chưa khống chế được. Trước tình hình đó, tỉnh đã lên phương án để ứng phó với tình huống có từ 10.000 đến 20.000 ca mắc COVID-19 cần điều trị.

Yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai 5 giải pháp trọng tâm để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chủ động nâng cao năng lực thu dung, điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng". Đẩy mạnh quản lý, điều trị người mắc không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà và tại doanh nghiệp.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, đến ngày 27/12 trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 26.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 10.000 ca đang theo dõi, điều trị. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 600-700 ca F0.

Phú Yên: Tổ chức tiêm liều bổ sung, nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19

UBND tỉnh Phú Yên ban hành Kế hoạch tổ chức tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian bắt đầu từ tháng 1-2022, tùy theo việc phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế.

Đối tượng tiêm liều bổ sung vắc-xin phòng COVID-19 là người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản. Người được ưu tiên đầu tiên, bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người vừa cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng; Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin của hãng Sinopharm hoặc vắc-xin Sputnik V.

Đối với tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Hà Nội: Lên phương án giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19

Trong 8 ngày liên tiếp, từ ngày 19 đến 27-12, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19. Tổng số mắc ghi nhận trong một tuần của thành phố này là hơn 13.700 ca mới, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 1.700 ca mắc.

Trước diễn biến phức tạp số ca mắc tăng mạnh những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm các ca tử vong do Covid-19.

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin Covid-19. Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Tất cả bệnh viện được yêu cầu không từ chối việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.

TIN THẾ GIỚI

Tổng thống Mỹ ban hành đạo luật chi tiêu quốc phòng 770 tỷ USD

Ngày 27/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2022, qua đó phê duyệt khoản ngân sách 770 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng.

Trước đó, trong tháng này, hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trên với tỷ lệ ủng hộ cao từ cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ. Văn kiện này được cho là có vai trò định hướng chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm tới. Phát biểu sau khi ký ban hành NDAA, Tổng thống Biden nhấn mạnh, đạo luật này đem lại những lợi ích quan trọng và tăng khả năng tiếp cận công bằng cho quân nhân và gia đình họ, cũng như các cơ quan quan trọng trong việc hỗ trợ phòng thủ quốc gia.

Tin nóng trưa 28/12: Đến năm 2025 có 95% người cao tuổi có thẻ BHYT 2
Ngày 27/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước khi được cả hai viện trong Quốc hội Mỹ thông qua, Đạo luật Chi tiêu quốc phòng 2022 đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ với lý do Mỹ chưa hoàn toàn giải quyết được các vấn đề như y tế, giáo dục và biến đổi khí hậu. Kể từ khi được ban hành năm 1961, Đạo luật Chi tiêu quốc phòng là một trong số ít các đạo luật lớn thường niên, thể hiện sự quan tâm của giới lập pháp Mỹ về vấn đề an ninh quốc phòng và được coi là cơ sở pháp lý về một loạt vấn đề, từ cạnh tranh với các nước đến vấn đề an ninh mạng.

Mỹ cử nhân viên ngoại giao tới Olympic Bắc Kinh

Chính quyền Biden tuyên bố vẫn cử các nhà ngoại giao Mỹ tới Olympic Bắc Kinh để hỗ trợ vận động viên, không phải để dự sự kiện này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 27/12 cho biết nhận được ít nhất 18 đơn xin visa ngoại giao từ Mỹ. Tờ SCMP trong khi đó đưa tin 40 nhân viên ngoại giao Mỹ có thể đến Trung Quốc trước thềm khai mạc Olympic Bắc Kinh tháng 2/2022.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ sau đó xác nhận vẫn cử nhân viên ngoại giao tới Bắc Kinh để giúp đỡ đoàn vận động viên, nhưng "không có thay đổi với quyết định tẩy chay ngoại giao" Olympic Bắc Kinh.

Mỹ hôm 6/12 là nước đầu tiên tuyên bố tẩy chay ngoại giao, tức là không cử quan chức đến Olympic và Paralympic Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Tổng thống Brazil không cho con 11 tuổi tiêm vaccine

Tổng thống Brazil không cho con gái 11 tuổi tiêm vaccine Covid-19, duy trì lập trường bị chuyên gia y tế chỉ trích và khiến tỷ lệ ủng hộ giảm. Ông cũng cho biết Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga sẽ công bố cách thức Brazil thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi, được phê duyệt đầu tháng này.

Tiêm chủng cho trẻ em là chủ đề nóng ở Brazil, nơi những người ủng hộ cốt lõi của Bolsonaro kiên quyết phản đối, trong khi đại đa số người dân ủng hộ. Cơ quan quản lý y tế quốc gia Anvisa hồi tháng 10 cho biết nhân viên của họ bị đe dọa tính mạng do vấn đề tiêm chủng trẻ em.

 Anh điều tra người dọa ám sát Nữ hoàng Elizabeth

Cảnh sát Anh đang xem xét video người đàn ông mang nỏ tìm cách đột nhập lâu đài của Nữ hoàng Elizabeth và tuyên bố muốn ám sát bà. Trong video được chia sẻ trên mạng xã hội Snapchat hôm 25/12, người đàn ông đeo mặt nạ giương nỏ lên ngắm nghía, tự nhận là người theo đạo Sikh ở Ấn Độ muốn "trả thù" vụ thảm sát Jallianwala Bagh nhắm vào người Sikh năm 1919, khi thực dân Anh cai trị Ấn Độ.

Tháng 4/1919, quân đội thực dân Anh bắn vào hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em không vũ trang ở phía bắc thành phố Amritsar, nhưng con số thương vong hiện vẫn chưa rõ ràng. Các tài liệu thời thuộc địa chỉ ra số người chết là 379, nhưng Ấn Độ công bố số nạn nhân lên tới gần 1.000 người.

Vụ đột nhập xảy ra khi Nữ hoàng đang nghỉ Giáng sinh cùng vợ chồng Thái tử Charles tại Lâu đài Windsor. Nghi phạm bị xử lý theo Đạo luật Sức khỏe Tâm thần, cho phép chính quyền Anh và Xứ Wales giam và điều trị người có vấn đề về sức khỏe tâm thần mà không cần sự đồng ý của họ. Những người này bị coi là mối đe dọa cho chính họ hoặc những người khác.

Một người Úc bị cấm rời Israel trong 8.000 năm

Theo trang tin NewsAU (Úc), ông Noam Huppert, công dân Úc, bị cấm rời khỏi Israel trong 8.000 năm, cho đến khi ông trả được khoản tiền cấp dưỡng nuôi con hơn 3 triệu USD.

Ông Noam Huppert, 44 tuổi, là nhà hóa học phân tích làm việc cho một hãng dược phẩm ở Úc. Năm 2007, ông kết duyên với một phụ nữ Israel. Đến năm 2012, cuộc hôn nhân này rạn nứt, ông chuyển từ Úc đến Israel để được ở gần 2 con nhỏ, sau khi vợ cũ đưa các con trở về Israel và đệ đơn ly hôn lên tòa án quốc gia này.

Bà Marianne Azizi, một nhà báo độc lập người Anh, cho biết không thể xác định chính xác số đàn ông bị ảnh hưởng bởi đạo luật này. Tuy nhiên, bà Azizi ước tính có khoảng hàng trăm công dân Úc đang chịu tình cảnh tương tự. Theo News AU, luật pháp Israel tạo điều kiện để phụ nữ áp đặt lệnh cấm xuất cảnh đối với chồng cũ cho đến khi đảm bảo nhận được tiền trợ cấp con cái.