Chờ...

TPHCM sẵn sàng triển khai mô hình chính quyền mới: Nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển

(VOH) - Ngay từ đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định chủ đề năm 2021 là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Chủ đề năm được triển khai rộng rãi đến từng phường xã, quận huyện, thành phố Thủ Đức cùng các sở ban ngành.

Từ chủ đề này Thành phố cũng đề ra nhiều chỉ tiêu và giải pháp quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả nền hành chính công cũng như nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Thành phố.

Khi triển khai mô hình chính quyền đô thị sẽ không còn hội đồng nhân dân cấp quận, phường khiến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân sẽ nặng nề hơn.

TPHCM sẵn sàng triển khai mô hình chính quyền mới: Nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển 1
Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây không phải khó khăn mà là thời cơ để từng cán bộ, công chức, viên chức phát huy tối đa, năng lực sở trường để TPHCM có thể tăng tốc phát triển mạnh mẽ hơn với bộ máy hành chính tinh gọn hơn: "Đây là thời cơ để Thành phố phát triển nhanh hơn, phục vụ người dân tốt hơn, đóng góp cho đất nước tốt hơn. Khả năng giám sát giảm thì phải tăng cường giám sát bù. Tổng thể phải giảm giám sát tốt hơn, không kém hơn trước”.

Thành phố Hồ Chính Minh đã có gần 7 năm thực hiện thí điểm và có những đánh giá từ thực tiễn rất thành công khi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường. Thời điểm đó, các quyền lợi hợp pháp của của người dân không giảm đi mà còn được nâng lên.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình xây dựng mô chính chính quyền đô thị, khi được khoác "chiếc áo mới", TPHCM được kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá, hướng đến chính quyền đô thị thông minh, hiện đại, có tính tương tác cao.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn, Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TPHCM phân tích: “Đặc điểm là tăng cường sự tự chủ, thẩm quyền phân công, tự làm tự chịu trách nhiệm. Các chủ tịch quận có thể quyết định các dự án loại B,C. Ủy ban nhân dân phường xã thì chịu sự giám sát của hội đồng nhân dân TPHCM”.

Khi TPHCM tổ chức chính quyền đô thị sẽ đặt ra một vấn đề là cần phải nâng chất cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng nhu cầu công việc đề ra nhằm phục vụ cho người dân và sự phát triển của thành phố tốt hơn. Dù thành phố đã có kinh nghiệm thí điểm và khá thành công nhưng vì là lần đầu tiên chính thức triển khai với nhiều kỳ vọng từ Trung ương, Thành phố và nhất là từ người dân nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện, thành phố Thủ Đức phải chú trọng từng khâu trong quá trình tổ chức thực hiện: “Các cơ quan đơn vị phải phân công rõ người, rõ việc cụ thể. Từng cơ quan đơn vị phải theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các công việc theo chỉ đạo của Thành phố, nhất là những công việc có thời hạn liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị”

Khi không còn tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường thì vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân Thành phố, của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được phát huy cao hơn. Bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố theo ngành, lĩnh vực gắn với địa bàn, nâng cao tính tự chủ của chính quyền Thành phố cũng như đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, phù hợp với đô thị đặc biệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng qua đó sẽ giúp thành phố điều hành và phát triển bền vững, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn: “Xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hiệu lực hiệu quả qua đó xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nhân dân, doanh nghiệp”.

Nghị định 33 của Chính phủ đã quy định chi tiết việc đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường khi tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó thì những kết luận các cuộc họp liên quan đến người dân phải được đưa lên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân quận, phường theo quy định của pháp luật.

Để triển khai đồng bộ và có hiệu quả ngay thời gian đầu, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân TPHCM ban hành hướng dẫn chi tiết đến các địa phương: "Phân cấp ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, thành phố phù hợp với thực tiễn”.

Điểm then chốt trong Nghị quyết 131 của Quốc hội về  tổ chức chính quyền đô thị là nhằm tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển Thành phố. Song song với đó là quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được bảo đảm và duy trì ở mức độ cao như trước đây.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Phạm Đức Hải nêu rõ: “Chủ tịch UBND phường, quận trước kỳ họp Hội đồng nhân dân TPHCM phải tổ chức đối thoại với người dân để lắng nghe ý kiến của người dân. Đó là điều kiện để Hội đồng nhân dân TPHCM giám sát, kết hợp việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của địa phương”.