Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trình Quốc hội xem xét khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

VOH - Để đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện đồng thời đảm bảo cam kết chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, cần thiết xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân tại Việt Nam.

Chiều 27/11, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình cho biết dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý và bối cảnh thực tiễn hiện nay, việc xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam là cần thiết.

Điện hạt nhân hiện đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm phát triển. Hiện 32 quốc gia là chủ sở hữu của 425 lò hạt nhân năng lượng đang hoạt động, cùng 62 lò đang được xây dựng.

Tại Việt Nam, nhu cầu điện được dự báo tiếp tục tăng cao. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt hệ thống điện từ khoảng 80 GW hiện nay sẽ tăng lên 150 GW vào năm 2030, tăng lên 490-573 GW năm 2050. Với quy hoạch này, nguồn điện than và khí LNG bị khuyến cáo hạn chế, cần phát triển thêm các nguồn điện mới nhưng phải đảm bảo chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050 theo cam kết tại COP26.

dien-hat-nhan-4226-5-3
Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh: QH

Phó Thủ tướng thường trực nhấn mạnh trong bối cảnh đó, việc xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam là cần thiết để giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng.

Điện hạt nhân đảm bảo mục tiêu kép vừa cung cấp điện nền vừa là nguồn điện xanh và bền vững. Chi phí sản xuất điện bình quân cho điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác, nhất là nguồn nhiệt điện than và nguồn LNG với giá nhiên liệu tăng dần.

Phát triển điện hạt nhân cũng mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực quốc tế khác.

Phó Thủ tướng  khẳng định quan điểm phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đã khảo sát, đánh giá kỹ và chọn địa điểm thích hợp triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Địa điểm này đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Theo quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt năm 2009, dự án gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW.

Báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho biết Ủy ban thống nhất về sự cần thiết tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với tăng tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, hướng đến từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân.

Chủ trương tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được Quốc hội, xem xét và đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8.

Bình luận