Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.
Dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 sau bước đầu được thực hiện trong năm 2023, nhưng với mức độ ít, mang tính “kiềm chế”.
Cụ thể, về giá dịch vụ giáo dục, học phí năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên được tiếp tục giữ ổn định như mức thu năm học 2021-2022, do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới CPI chung.
Với khối giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, từ tháng 9/2024, học phí năm học 2024-2025 áp dụng theo mức trần tại Nghị định 97. So với năm học trước, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%.
Mặc dù mức trần học phí điều chỉnh tăng, nhưng mức tác động đến CPI thực tế phụ thuộc vào mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định - Thứ trưởng nhận định.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, việc điều chỉnh giá điện theo kiến nghị từ đầu năm của Bộ Công Thương để bảo đảm phản ánh biến động của các chi phí đầu vào của giá điện cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Khi chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.
Giá vé máy bay trong nước của các hãng hàng không trong thời gian tới dự báo có thể tăng hơn so với thời điểm trước theo xu hướng chung của giá vé máy bay thế giới - do tình trạng thiếu hụt tàu bay, chi phí nhiên liệu tàu bay tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không...
Điều này cũng đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay...