Xét nghiệm cũng phát hiện một số loại vi khuẩn khác. Tuy nhiên hiện chưa rõ "một số vi khuẩn khác" là loại nào.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 6/5, toàn tỉnh có 547 bệnh nhân vào viện theo dõi và điều trị. Trong đó gần 400 trường hợp đã xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà.
Bệnh nhi tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục có tiến triển tốt, đã có nhiều phản xạ tự nhiên hơn. Các ca bệnh nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Hôm qua Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM công bố kết quả xét nghiệm một bệnh nhi ngộ độc được Đồng Nai chuyển đến cũng nhiễm khuẩn Salmonella. Ngày trước đó, 3 bệnh nhi nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được xác định nhiễm khuẩn E.coli.
Vi khuẩn Salmonella là vi khuẩn đường ruột, có trong phân người, động vật bị nhiễm bệnh và môi trường. Hầu hết, các trường hợp bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc sử dụng nguồn nước ô nhiễm có chứa Salmonella.
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella từ 6 - 72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18 - 36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn ói mửa.
Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.
Còn E.coli là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống...
So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn, nhưng cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.