Chờ...

Ban đại diện cha mẹ học sinh đâu phải chỉ để thu tiền?

(VOH) - Nếu dự bất kỳ cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh trong những ngày đầu năm học mới, chúng ta dễ dàng nhận ra các vấn đề đưa ra bàn bạc không phải là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo dục con em tốt hơn mà luôn nóng hổi ở chuyện thu chi với nhiều khoản thu “trời ơi đất hỡi”.

Ban đại diện cha mẹ học sinh đâu phải chỉ để thu tiền?

(VOH) - Nếu dự bất kỳ cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh trong những ngày đầu năm học mới, chúng ta dễ dàng nhận ra các vấn đề đưa ra bàn bạc không phải là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo dục con em tốt hơn mà luôn nóng hổi ở chuyện thu chi với nhiều khoản thu “trời ơi đất hỡi”. Như vậy, vô hình chung, những buổi quyên góp trên tinh thần “tự nguyện” của Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS) trở thành nổi “ám ảnh” của không ít phụ huynh, nhất là đối với những gia đình khó khăn. Phóng viên Phương Thuỷ có bài ghi nhận: BĐDCMHS đâu chỉ để thu tiền ?

Năm học này, do nhận được quá nhiều ý kiến của dư luận và báo chí nên so với các năm trước dường như các trường đã có sự dè dặt, thận trọng hơn trong việc công bố các khoản thu “tự nguyện” do Ban ĐDCMHS đứng ra quyên góp. Theo ghi nhận của chúng tôi, Ban ĐDCMHS tại nhiều trường trong năm học này bắt đầu nghĩ thêm nhiều “chiêu thức” để tránh phản ứng từ phụ huynh như: Thay vì thu một lần, nhiều nơi đã chia nhỏ các khoản đóng góp. Thoạt nghe, mức đóng có vẻ ít, nhưng nếu cộng hết các khoản lại là thì không nhỏ. Một phụ huynh cho biết: Ngoài 500.000 đồng tiền cơ sở vật chất đầu năm theo quy định. Hiện mỗi tháng chị đều phải đóng 30.000 đồng cho Quỹ Hội cha mẹ học sinh của trường Mầm Non 19/5. Hoặc trường Tiểu học Kim Đồng- Gò Vấp lại đặt ra Quỹ Bảo trợ học đường: mức thu là 150.000 đồng/năm, đây là mức ấn định ai cũng phải đóng. Song song đó, thay vì liệt kê ra chi tiết các hạng mục: như sửa chữa nhỏ, thay thế đèn, quạt,…các mức này gộp chung vào một quỹ gọi là “Quỹ khuyến học”.

Thông thường thì tiền quyên góp được “đánh mạnh” vào những học sinh các lớp đầu cấp, vì đây là đối tượng được thụ hưởng lâu hơn. Trường Phan Đình Phùng, phường 2, quận 3 là một ví dụ. Ngay từ đầu năm học, học sinh lớp 1 phải đóng tiền tự nguyện lên đến 700.000 đồng với lý do trang bị bàn ghế để học anh văn.

Có rất nhiều PHHS khi được hỏi đều cho rằng không biết vì sao năm nào cũng phải đóng tiền cho những khoản mà lẽ ra phải được ngân sách đầu tư như: máy tính, máy chấm trắc nghiệm, tivi, đầu máy, đầu đĩa…kể cà đèn chiếu sáng và quạt trần. Chuyện PH không biết các khoản tiền “tự nguyện” đi đâu về đâu là chuyện bình thường. Chị T.T.T., một phụ huynh ở quận Tân Bình có con học ở bậc tiểu học bức xúc vì quá nhiều khoản phải đóng nhưng không dám phản đối, bày tỏ :

Hiện nay, mức đóng góp mỗi PH phổ biến tối thiểu là 120.000-300.000/ năm. Với một trường có quy mô trên 1.000 học sinh thì quỹ của Hội phải lên đến con số vài trăm triệu đồng trở lên. Đối với một số trường ở các quận trung tâm, gia đình học sinh phần đông khá giả, mức thu quỹ hội cha mẹ học sinh còn cao hơn nữa. Và số tiền thu được chi như thế nào thì vẫn chưa có một cơ chế giám sát chặt chẽ.

Tuy còn nhiều thắc mắc trong lòng khi phải đóng nhiều khoản tiền “tự nguyện” nhưng hầu như có rất ít phụ huynh dám bày tỏ ý kiến phản bác hoặc chất vấn về các khoản thu thi vì “ngại” ảnh hưởng đến việc học con mình... Chị N.T.T.H, một phụ huynh có con học ở trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Gò Vấp, cho biết:

Ai cũng biết, rất khó có tiếng nói trong các buổi họp phụ huynh, khi mà thành phần trong Ban đại diện phần lớn là những phụ huynh rất khá giả, có địa vị, tiếng tăm nhất định trong xã hội. Thông thường những vị trí tiếp theo trong Ban được sắp xếp theo thứ tự địa vị phụ huynh đó và rất hiếm khi những thành phần nằm trong Ban đại diện là những người lao động tay chân, nghèo khó. Một phụ huynh ta thán: Trường đưa vào danh sách Ban đại diện mà toàn người giàu có, có chức, có quyền, nên đâu có thấu hiểu sự khó khăn của những người lao động, lúc nào chúng tôi cũng phải nghe: “Có bao nhiêu đâu mà không đóng”.

Để chấn chỉnh việc thu quỹ phụ huynh, ngay từ đầu năm Sở Giáo dục và đào tạo đã yêu cầu các trường phải thực hiện thu riêng những khoản có trong qui định, còn những khoản thu ngoài qui định phải theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Thế nhưng, đa số các trường đều thu gộp các khoản cùng một lúc, gây khó khăn không ít cho phụ huynh. Ông Nguyễn Văn Nam, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và đào tạo cho biết:

Luật giáo dục đã quy định, Ban ĐDCMHS trong trường không phải là tổ chức đoàn thể và đã không có hội thì không thể thu hội phí. Thế nhưng thực tế đã trả lời ngược lại.Trả lời về việc “tiền trường đến hẹn lại lên”, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Huỳnh Công Minh, cho biết:

Sau nhiều năm ra đời và nhiều lần thay tên đổi họ như: từ Hội phụ huynh học sinh, đến Hội cha mẹ học sinh, đến bây giờ là Ban ĐDCMHS, nhưng tiếc thay hoạt động của tổ chức này vẫn không có gì thay đổi. Vẫn làm có mỗi chức năng quyên góp tiền cho nhà trường. Trong khi đó, điều lệ Ban ĐDCMHS mới ban hành, thì Ban này có nhiều việc để làm hơn, quan trọng nhất là có sự trao đổi thường xuyên về việc dạy và học trong nhà trường, quan tâm đến hoàn cảnh chung của phụ huynh. Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiểu học Trưng Vương, quận 5, nói :

Không biết tự lúc nào, Ban ĐDCMHS trong mắt nhiều người đã trở thành công cụ, cánh tay nối dài thậm chí có người cho là đó là cái bóng của Ban giám hiệu các trường, đại diện cho quyền lợi nhà trường nhiều hơn là cho quyền lợi của phụ huynh học sinh. Đã đến lúc dư luận đặt ra vấn đề, Ban ĐDCMHS thực chất là gì và nếu chỉ thực hiện mỗi chức năng thay trường quyên góp tiền thì liệu có cần thiết phải tồn tại với nhiều ban bệ, thành phần hay không?

Thuỷ Phương