"Fedha" xuất hiện trên tài khoản Twitter của trang web Kuwait News với hình ảnh một người phụ nữ, mái tóc sáng màu, mặc áo thun trắng và áo khoác đen.
"Tôi là Fedha, người dẫn chương trình đầu tiên ở Kuwait làm việc với trí tuệ nhân tạo tại Kuwait News. Bạn thích loại tin tức nào hơn? Hãy lắng nghe ý kiến của bạn" - cô nói bằng tiếng Ả Rập cổ điển.
Kuwait News được thành lập vào năm 1961 - là nhật báo tiếng Anh đầu tiên của vùng Vịnh.

Abdullah Boftain, Phó tổng biên tập của hãng tin này cho biết, "Fedha" là một thử nghiệm về tiềm năng của AI trong việc cung cấp "nội dung mới và sáng tạo".
Ông cho biết, trong tương lai Fedha có thể sử dụng giọng Kuwait và trình bày các bản tin trên tài khoản Twitter của hãng với 1,2 triệu người theo dõi.
"Fedha là một từ phổ biến của người Kuwait dùng để chỉ bạc, kim loại. Chúng tôi luôn hình dung robot có màu bạc và kim loại, vì vậy chúng tôi đã kết hợp cả hai" - ông Boftain nói.
Theo Boftain, mái tóc vàng và đôi mắt sáng màu của người dẫn chương trình phản ánh dân số đa dạng của đất nước giàu dầu mỏ gồm người Kuwait và người nước ngoài. "Fedha đại diện cho tất cả mọi người" - ông Boftain cho biết.
Sự gia tăng nhanh chóng của AI trên toàn cầu đã mang lại nhiều ứng dụng hứa hẹn cho cuộc sống, nhưng AI cũng gây lo ngại, chẳng hạn như về khả năng lan truyền thông tin sai lệch, mối đe dọa đối với một số công việc nhất định và tính toàn vẹn nghệ thuật.
Kuwait xếp hạng 158 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số Tự do Báo chí năm 2022 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).