Cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con học tiếng Anh, làm toán nâng cao từ khi chưa biết hết bảng chữ cái. Cuộc đua học đường khốc liệt đang đặt lên vai trẻ nhỏ gánh nặng ngày một lớn.
Trong một lớp học ở Daechi-dong, quận Gangnam, Seoul, bé trai 4 tuổi Tommy cầm chặt cây bút chì, tay run rẩy, chân không chạm đất. Cậu bé đang làm bài thi tiếng Anh đầu vào cho một trường mẫu giáo quốc tế. Phía ngoài phòng thi, mẹ cậu cùng nhiều phụ huynh khác lo lắng dõi theo.

Bài thi yêu cầu trẻ trả lời các câu hỏi đọc hiểu, suy luận và viết một bài luận ngắn trong 15 phút. Mục tiêu là giành suất học ở các trường mẫu giáo dùng hoàn toàn tiếng Anh – nơi được xem là bàn đạp để vào những trường cấp một hàng đầu.
Thuật ngữ “kỳ thi 4 tuổi” được chính các phụ huynh ở Daechi-dong đặt ra. Tại khu vực được mệnh danh là “thủ đô giáo dục” của Hàn Quốc, việc trẻ em mầm non có lịch học kín tuần, học thêm tiếng Anh, luyện viết, làm toán từ rất sớm đã trở thành điều bình thường.
Nhiều gia đình tin rằng, nếu không bắt đầu sớm, con cái họ sẽ tụt lại phía sau trong cuộc đua vào các trường danh giá. Một phụ huynh có con 7 tuổi chia sẻ: “Trường mẫu giáo của con tôi cấm nói tiếng Hàn. Mọi hoạt động đều bằng tiếng Anh. Đây là tấm vé vàng cho tương lai.”
Để chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào, các trung tâm luyện thi mở lớp dành riêng cho trẻ 4 tuổi. Thời lượng học ban đầu chỉ 30 phút để trẻ làm quen, sau đó tăng lên một giờ. Nội dung học gồm nhận mặt chữ cái, phản xạ tiếng Anh, kỹ năng ngồi học độc lập và đi vệ sinh đúng cách. Các kỹ năng tưởng chừng cơ bản cũng trở thành điều kiện cần cho kỳ tuyển sinh.
Một số phụ huynh chi hàng trăm USD mỗi tháng cho gia sư, tài liệu luyện thi. Người khác bỏ tiền thuê người xếp hàng trước các trường mẫu giáo danh tiếng để giữ chỗ. Học phí có thể vượt 2 triệu won mỗi tháng, chưa kể 2-3 triệu won cho gia sư riêng hỗ trợ làm bài tập về nhà.
Kim, 39 tuổi, mẹ của một bé gái đang theo học tại một trường mẫu giáo tiếng Anh ở Daechi-dong, cho biết cô gọi con bằng tên tiếng Anh để con dễ thích nghi. “Con bé không hiểu những từ đơn giản bằng tiếng mẹ đẻ như búp bê hay con bướm. Nhưng tôi nghĩ học tiếng Anh mới là quan trọng nhất.”
Nhiều phụ huynh cho rằng nếu con thành thạo tiếng Anh từ nhỏ, khi vào tiểu học có thể tập trung học các môn khó hơn như toán, khoa học, thay vì bận rộn với việc học ngôn ngữ mới.
Không dừng lại ở tiếng Anh, trẻ em Daechi-dong còn được học toán nâng cao từ sớm. Một chuyên gia giáo dục chia sẻ, học sinh lớp ba đã học chương trình lớp sáu, thậm chí có em bắt đầu học vi tích phân từ lớp năm. Tâm lý “phải học trước” đã ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc nhiều năm qua.
Tuy nhiên, sự căng thẳng này đang để lại hệ lụy. Một bà mẹ cho biết trước đây không muốn ép con học nhiều, nhưng khi con bắt đầu tụt lại, cô không thể đứng ngoài cuộc. Điều khiến cô lo lắng hơn cả là sức khỏe tâm thần của trẻ.
“Trước đây, bệnh tâm lý ở trẻ em là điều không ai nói đến. Bây giờ, nhiều bà mẹ chia sẻ thông tin bác sĩ tâm thần như chia sẻ trường luyện thi,” cô nói.
Theo số liệu của cơ quan y tế Hàn Quốc, số trẻ từ 7 đến 12 tuổi mắc các chứng rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Những khu vực nổi tiếng về giáo dục như Gangnam và Seocho-gu là nơi có tỷ lệ cao nhất.
Dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. “Khi thành công học tập vẫn là yếu tố then chốt quyết định tương lai của một đứa trẻ, thì cuộc đua này sẽ không dừng lại,” một phụ huynh nói.