Đăng nhập

Cải thiện kỹ năng giao tiếp với 6 gợi ý

VOH - Kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng giúp chúng ta xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh, ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội.

Kasley Killam, nhà khoa học xã hội tại Đại học Harvard, nhấn mạnh rằng việc hiểu rõ các kỹ năng xã hội giúp mỗi người nhận ra điểm mạnh và những lĩnh vực cần cải thiện trong giao tiếp. Dưới đây là 6 gợi ý để cải thiện kỹ năng này.

giaotoiep_vohXem toàn màn hình
Kỹ năng quan sát giúp bạn điều chỉnh hành vi phù hợp trong giao tiếp

1. Thực hành lắng nghe tích cực

Lắng nghe tích cực không chỉ là nghe mà còn là sự hiện diện trong cuộc trò chuyện, thể hiện sự quan tâm đến người khác. Điều này đòi hỏi bạn phải chú ý đến lời nói của đối phương, tránh phân tâm và lưu tâm đến cảm xúc của mình trong lúc nghe. Theo nhà tâm lý học người Mỹ Ernesto Lira de la Rosa, lắng nghe tích cực giúp tránh những hiểu lầm, giải quyết vấn đề hiệu quả, xây dựng lòng tin và củng cố các mối quan hệ.

Khi lắng nghe, hãy duy trì giao tiếp bằng mắt và chú ý đến ngôn ngữ cơ thể để thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người đối diện. Việc này giúp bạn đồng cảm với họ hơn và cải thiện chất lượng cuộc trò chuyện.

2. Quản lý nhịp thở để giảm căng thẳng

Không ít người cảm thấy lo lắng khi giao tiếp trong những tình huống xã hội. Một trong những cách hiệu quả để kiểm soát cảm xúc này là tập trung vào nhịp thở. Hít thở sâu giúp giảm căng thẳng, làm dịu hệ thần kinh và tăng cường nhận thức về bản thân. Khi cảm thấy căng thẳng, hãy dành vài phút để hít thở sâu và thư giãn, điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn trong giao tiếp.

3. Xây dựng sự tự tin

Sự thiếu tự tin thường là nguyên nhân khiến kỹ năng giao tiếp bị ảnh hưởng. Theo tiến sĩ Steven Rosenberg, có nhiều cách để cải thiện sự tự tin trong các tình huống xã hội. Một trong những phương pháp đơn giản là nhìn vào gương và nói những lời tích cực, ví dụ như: "Buổi gặp gỡ này sẽ diễn ra tuyệt vời và mình sẽ cảm thấy rất vui vẻ."

Hãy hình dung bản thân bạn tham gia một cách tự nhiên và thoải mái trong cuộc trò chuyện, điều này sẽ giúp bạn có phản ứng tự tin hơn khi tình huống thực sự xảy ra.

4. Quan sát và phản hồi tín hiệu trong cuộc trò chuyện

Khi trò chuyện, việc chú ý đến phản ứng của người đối diện, cả bằng ngôn ngữ và cử chỉ, giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của họ. Theo chuyên gia Lira de la Rosa, hành vi phi ngôn ngữ, như cử chỉ tay, ánh mắt hay cách người ta ngắt lời nhau, đều mang thông điệp sâu sắc. Quan sát những chi tiết này không chỉ giúp bạn đồng cảm hơn mà còn cải thiện khả năng tương tác trong giao tiếp.

5. Sử dụng câu hỏi mở

Đặt câu hỏi mở là cách hiệu quả để khuyến khích đối phương chia sẻ nhiều hơn, từ đó dễ dàng xây dựng mối quan hệ sâu sắc. Câu hỏi mở thường tạo ra cuộc trò chuyện phong phú hơn so với câu hỏi đóng chỉ nhận được câu trả lời "Có" hoặc "Không". Ví dụ, thay vì hỏi "Bạn đã ăn tối chưa?", bạn có thể hỏi "Bạn đã ăn tối món gì?". Điều này khơi gợi sự quan tâm và tạo không gian cho một cuộc trò chuyện thú vị hơn.

6. Tìm kiếm tiếng nói chung

Tìm kiếm những sở thích chung là cách tốt để tạo sự kết nối khi giao tiếp. Theo tiến sĩ Rosenberg, việc tham gia các nhóm có cùng sở thích giúp bạn dễ dàng mở rộng kỹ năng giao tiếp. Khi chia sẻ chung niềm đam mê về một chủ đề như phim ảnh, âm nhạc hay thể thao, bạn sẽ dễ dàng kết nối với người khác hơn. Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái mà còn mở ra cơ hội hình thành các mối quan hệ sâu sắc.

Cải thiện kỹ năng giao tiếp không chỉ mang lại lợi ích trong công việc mà còn giúp bạn xây dựng các mối quan hệ cá nhân bền vững. Việc lắng nghe tích cực, tự tin, sử dụng câu hỏi mở và tìm kiếm điểm chung trong giao tiếp là những bước quan trọng để trở thành một người giao tiếp hiệu quả. Hãy kiên nhẫn và thực hành thường xuyên, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách bạn tương tác với mọi người xung quanh.

Bình luận