Đăng nhập

Cô gái nhịp tim 137 chu kỳ/phút cấp cứu vì cường giáp

00:00
02:41
02:41
VOH - Cô gái 23 tuổi từ Quy Nhơn, Bình Định, hiện đang điều trị Basedow, đã phải nhập viện khẩn cấp tại Trung tâm Y tế Cẩm Khê, Phú Thọ, do tình trạng nhịp tim tăng đột ngột lên 137 chu kỳ/phút.

Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh cường giáp – một hội chứng do tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến sản sinh hormone gây ảnh hưởng nguy hiểm đến hệ tim mạch.

Lúc nhập viện, ngoài nhịp tim nhanh, bệnh nhân còn gặp các triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, run tay và lòng bàn tay đổ mồ hôi nhiều. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số FT3, FT4 tăng cao, trong khi TSH giảm mạnh. Cô gái được chẩn đoán cường giáp và ngay lập tức được kê thuốc kháng giáp và giảm nhịp tim. Sau một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định và cô được xuất viện với chế độ duy trì thuốc hàng ngày.

pexels-enginakyurt-1820509Xem toàn màn hình
Ảnh minh hoạ

Theo bác sĩ Mai Thị Hạnh, Khoa Nội tổng hợp, bệnh cường giáp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt cho hệ tim mạch. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim, suy tim, và trong một số trường hợp nghiêm trọng, cơn “bão giáp” – tình trạng khẩn cấp có thể đe dọa tính mạng. Hormone tuyến giáp có tác động mạnh mẽ lên tim mạch, làm tăng nhịp tim và giảm sức cản ngoại vi, từ đó tăng tải cho cơ tim và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ Hạnh khuyến cáo rằng những bệnh nhân Basedow cần có chế độ ăn giảm iod và tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc để tránh các biến chứng. Khác với bướu cổ đơn thuần, bệnh Basedow ảnh hưởng đến chức năng tim mạch và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân cường giáp

Hormone tuyến giáp tác động trực tiếp đến cấu trúc và chức năng của tim, làm tăng thể tích máu tuần hoàn lên đến 300% so với bình thường, khiến cơ tim phải hoạt động mạnh hơn và lâu dần dẫn đến suy tim. Các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân cường giáp bao gồm:

  1. Rối loạn nhịp tim: Người mắc cường giáp dễ bị rối loạn nhịp nhĩ và rối loạn nút xoang do tác động kích thích của hormone tuyến giáp lên cơ tim, dễ dẫn đến nguy cơ trụy tim mạch.

  2. Rung nhĩ: Đây là tình trạng nhịp tim không đều và thường nhanh, có thể gây đột quỵ. Những bệnh nhân cao tuổi hoặc có tiền sử tim mạch dễ gặp phải biến chứng này và thường phải sử dụng thuốc chống đông để ngăn ngừa huyết khối.

  3. Suy tim sung huyết: Hormon tuyến giáp tăng thể tích tuần hoàn và tải trước cho tim, dẫn đến suy tim khi hoạt động quá mức kéo dài. Biến chứng này đặc biệt phổ biến ở người cao tuổi và những người chưa điều trị kịp thời.

  4. Tăng huyết áp và bệnh van tim: Tăng huyết áp thứ phát có thể là dấu hiệu của cường giáp ở bệnh nhân trẻ, và nếu không điều trị sớm, sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, bao gồm suy tim và tổn thương van tim.

  5. Tăng áp động mạch phổi: Do áp lực tăng cao ở động mạch phổi, tâm thất phải phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu, dẫn đến tổn thương mao mạch phổi và cản trở chức năng trao đổi khí.

Cường giáp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có nguy cơ gây ra các biến chứng tim mạch nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Người mắc bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bình luận